Nguy cơ mù mắt vì kính áp tròng

  •  
  • 2.500

Các nhà khoa học cảnh báo, những người sử dụng kính áp tròng có thể bị mù mắt nếu mắc một loại ký sinh trùng thường được tìm thấy trong nước máy.

>>> Kính áp tròng phát hiện bệnh tiểu đường

Trang Daily Mail dẫn lời Fiona Henriquez, một nhà nghiên cứu đến từ trường Đại học Tây Scotland cho biết, ký sinh trùng Acanthamoeba là kẻ thù tiềm tàng đối với mọi người sử dụng kính áp tròng.

Theo các chuyên gia, loại ký sinh trùng đơn bào bé nhỏ này thường được tìm thấy trong nước máy, bụi, ngoài biển và các bể bơi. Chúng có thể tự vỗ béo bằng cách ăn các vi khuẩn tồn tại trong những mắt kính áp tròng bẩn.

Người đeo kính áp tròng luôn phải giữ cho mắt kính sạch sẽ.
Người đeo kính áp tròng luôn phải giữ cho mắt kính sạch sẽ.

Khi các kính áp tròng nhiễm ký sinh trùng được gắn vào mắt người, Acanthamoeba bắt đầu ăn mòn giác mạc, lớp ngoài cùng của nhãn cầu và sinh sôi nảy nở. Hậu quả từ cuộc tấn công của Acanthamoeba sẽ là các triệu chứng mắt ngứa rát, chảy nước mắt sống, nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng, sưng phồng mí trên và đau mắt.

Graeme Stevenson - một chuyên gia nhãn khoa Anh khẳng định, thị lực của người đeo kính áp tròng nhiễm ký sinh trùng có thể bị tổn hại vĩnh viễn chỉ trong vòng 1 tuần. Ông Stevenson nói: “Nếu nhiễm trùng xâm nhập vào lớp thứ ba của nhãn cầu, nó sẽ khiến mắt bạn nhìn như kính chắn gió xe hơi bị phủ đầy sương giá”.

Thống kê cho thấy, mặc dù số trường hợp đeo kính áp tròng nhiễm ký sinh trùng Acanthamoeba không nhiều nhưng quá trình điều trị kéo dài, đau đớn và không hoàn toàn hiệu quả. Điều đó đồng nghĩa với việc, một số bệnh nhân sẽ bị mù.

Ký sinh trùng Acanthamoeba gây hại cho mắt người đeo kính áp tròng.
Ký sinh trùng Acanthamoeba gây hại cho mắt người đeo kính áp tròng. (Ảnh: Daily Mail)

Ông Stevenson cho biết thêm rằng, rất nhiều trường hợp nhiễm ký sinh trùng Acanthamoeba xảy ra mỗi năm là do mọi người không tuân thủ lời khuyên của các chuyên gia nhãn khoa khi dùng kính áp tròng.

Lời khuyên để tránh nhiễm trùng là luôn giữ kính áp tròng và hộp đựng sạch sẽ (có thể dùng dung dịch chuyên dụng để rửa) cũng như thay mắt kính thường xuyên. Hiệp hội kính áp tròng Anh khuyến cáo mọi người không nên đeo kính áp tròng khi bơi, trừ khi bạn có đep thêm kính bơi bên ngoài. Và nếu bạn vẫn đeo kính áp tròng khi tắm vòi hoa sen, hãy nhắm mắt thật chặt.

Theo Vietnamnet, Daily Mail
  • 2.500