Nhiều người lo sợ những kẻ “chơi xấu” có lấy được những virus đậu mùa và cố tình phân tán qua vũ khí sinh học.
Biểu hiện của bệnh đậu mùa. (Nguồn:Utmedicalcenter). |
Nga và Mỹ nói rằng cần thêm nghiên cứu để tạo ra những loại vắc-xin an toàn hơn để chống lại căn bệnh chết người đã bị xóa sổ từ hơn 30 năm trước. Họ cũng muốn đảm bảo rằng rất cả những mẫu virus dự trữ đã được tiêu hủy hoặc chuyển tới hai kho lưu trữ của Nga và Mỹ nhằm tránh khả năng virus được sử dụng trong vũ khí sinh học.
Nhưng bản đề xuất chung của hai nước này nhằm đề ra thời hạn 5 năm nữa mới quyết định có tiêu diệt virus vấp phải sự phản đối của các nước thành viên trong cuộc họp thường niên của Tổ chức Y tế thế giới – vốn đã bàn thảo vấn đề này trong suốt 25 năm qua.
“Nhiều nước đang phát triển muốn tiêu diệt virus, nhất là Iran”, Reuters trích lời một nhà ngoại giao cho biết.
Iran lâu nay vốn bất đồng với Mỹ và một số cường quốc về chương trình hạt nhân. Tehran phủ nhận cáo buộc của các nước phương Tây rằng nước này đang có kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân, và chỉ khẳng định chỉ muốn sản xuất điện hạt nhân.
Nhiều nước cho rằng những mẫu virus đậu mùa còn lại cần bị tiêu diệt vì bệnh đậu mùa đã bị xóa sổ và virus này dễ gây chết người. Họ cũng cho rằng công nghệ hiện tại đủ để tạo ra những loại vắc-xin mới mà không cần sử dụng virus sống.
Nhiều người lo sợ những kẻ “chơi xấu” có thể bằng cách nào đó có được những virus này và cố tình phân tán nó. “Chừng nào bệnh đậu mùa hoàn toàn biến mất, thế giới vẫn có khả năng bị tấn công vì hầu hết dân số thế giới đều chưa có khả năng miễn dịch với bệnh này”, Kathleen Sebelius, Bộ trưởng y tế của Mỹ, nói.
Đề xuất của Mỹ và Nga được 19 nước ủng hộ, trong đó có các đồng minh của Mỹ như Anh, Canada và Nhật, cùng nhiều nước thuộc Liên Xô cũ.
193 nước thành viên của WHO đưa ra quyết định trong các vấn đề dựa trên sự đồng thuận, nhưng luật lệ của tổ chức này cũng cho phép bỏ phiếu. Cuộc tranh cãi vẫn đang tiếp diễn.
Các thanh tra an toàn sinh học của WHO vừa kiểm tra hai nơi cất trữ virus đậu mùa ở Trung tâm phòng chống bệnh tật của Mỹ ở Atlanta và Trung tâm nghiên cứu virus và công nghệ sinh học ở Koltsovo của Nga năm 2009. Kết quả cho thấy cả hai kho lưu trữ này đều an toàn và đảm bảo.
WHO xác nhận bệnh đậu mùa, loại bệnh dễ truyền nhiễm, bị xóa sổ trên toàn thế giới vào năm 1979, hai năm sau khi phát hiện trường hợp cuối cùng ở Somalia. Bệnh này không còn lây lan tự nhiên dù một phụ nữ ở Anh đã thiệt mạng năm 1978 sau khi vô tình tiếp xúc với virus trong phòng thí nghiệm.
WHO vẫn dự trữ 32,6 triệu liều vắc-xin bệnh đậu mùa ở Thụy Điển đề phòng trường hợp khẩn cấp.