Nhà khoa học 'ra quân' làm sạch sông, hồ

  •  
  • 300

Đồng loạt xử lý ô nhiễm một số sông, hồ ở Hà Nội, các nhà khoa học quyết tâm thực hiện cuộc 'cách mạng' môi trường.

Theo Quyết định của UBND Thành phố Hà Nội, nước sau xử lý phải đạt các thông số về độ pH 5-9 mg/lít; lượng ôxy hòa tan (DO) lớn hơn hoặc bằng 2mg/lít; lượng COD 50 mg/lít; BOD­­5 25mg/lít….

Tiến sĩ Nguyễn Phú Tuân, Công ty cổ phần Xanh, Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao, Khu CNC Hòa Lạc cho biết: “Với các thông số này, xử lý hồ có thể làm được, nhưng với sông thì gần như “đánh đố” vì hiện ở Việt Nam chưa có đơn vị nào đứng ra làm mô hình trình diễn cải tạo ô nhiễm sông. Thêm nữa, phần lớn các hồ của Hà Nội là hồ chứa nên lượng nước thải hàng ngày vẫn thường xuyên thải vào hồ. Nước hồ có thể hết ô nhiễm sau xử lý nhưng sau đó sẽ sẽ nhanh chóng ô nhiễm trở lại nếu không ngăn chặn nước thải”.

Trăm hoa đua nở

Đến thời điểm này đã có 7 đơn vị đăng ký tham gia xử lý ô nhiễm hồ. Trong số này, duy nhất chỉ có Công ty cổ phần Xanh đã từng tự bỏ tiền, công nghệ để làm mô hình trình diễn xử lý hồ Văn. Như vậy, với việc đồng loạt xử lý lần này sẽ là “trăm hoa đua nở” với nhiều công nghệ khác nhau. 

Các kỹ thuật viên tiến hành xử lý ô nhiễm nước hồ Văn. Ảnh: Bích Ngọc


Thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị đưa ra quy trình thử nghiệm phù hợp, có thể áp dụng lâu dài và hiệu quả sau khi kết thúc thời gian thử nghiệm.Theo giáo sư Trần Hiếu Nhuệ, Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường, thành viên ban tuyển chọn dự án của Thành phố: “Đây coi như một dịp thử sức các nhà khoa học”.

Tránh “hớt ngọn”

Một vấn đề nữa được đặt ra đó là sự duy trì hiệu quả của các công trình xử lý ô nhiễm. Theo TS Tuân: “Nếu không giải quyết được tận gốc thì có làm cũng chỉ là “hớt ngọn”. Trong khi các nguồn xả thải vẫn hàng ngày thải ra các chất gây ô nhiễm cũng cần phải tính đến việc hình thành các trạm xử lý nước thải mini để duy trì chất lượng nước sông, hồ sau xử lý”.

Cùng chung lo lắng này, ông Trần Quốc Phóng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH xử lý môi trường PQ, đơn vị đăng ký xử lý một đoạn mương khu vực Trung tâm chiếu phim Quốc gia, kéo dài cho đến mương Hào Nam, cho rằng "đơn vị cũng đã tính toán đến việc các nguồn thải tiếp tục xả ra sau khi nước trong mương đã được xử lý. Dù khó khăn song ông Phóng tin rằng việc thử nghiệm lần này sẽ thành công và là cơ hội để các đơn vị góp phần vào việc làm đẹp các con sông của thành phố”.


Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyễn Việt Anh, Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường (ĐH Xây dựng): “Các cơ quan quản lý cũng cần nhìn năng lực của các đơn vị trong nước để ra đề bài, nếu không sẽ chỉ là nói cho hay. Thay vì nhiều đơn vị “thử” có thể giao cho một đơn vị đã từng xử lý ô nhiễm hồ trước đó để đỡ tốn kém tiền của Nhà nước, doanh nghiệp”.

Hàng loạt đơn vị đăng ký xử lý hồ

Công ty TNHH Xử lý môi trường PQ phối hợp với Xí nghiệp thoát nước số 4, xin xử lý thí điểm tại một đoạn mương thoát nước thải sinh hoạt dài 480m. Đoạn mương này bắt đầu từ khu vực Trung tâm chiếu phim Quốc gia, kéo dài cho đến mương Hào Nam.

Công ty Cổ phần Xanh và Công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên Thoát nước Hà Nội thì xin xử lý giảm thiểu ô nhiễm nước mặt của các hồ Quỳnh, hồ Công Viên và hồ Nghĩa Tân; cùng xin xử lý ở hồ Công Viên còn có Công ty TNHH Kỹ nghệ môi trường, tuy nhiên công ty này cũng xin xử lý thêm 1 đoạn sông Tô Lịch.

Viện hoá học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) xin xử lý các hồ: Văn Chương, Quan Nhân, Trung Hòa…; Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường (Đại học Xây dựng) xin xử lý cải thiện chất lượng nước và tăng cường khả năng tự làm sạch của các hồ trong công viên Bách Thảo.

Theo Báo Đất Việt
  • 300