Nhà thiên văn ghi hình thiên thạch đâm vào Mặt trăng

  •  
  • 370

Daichi Fujii, quản lý tại Bảo tàng Thành phố Hiratsuka, sử dụng kính viễn vọng ghi lại chớp sáng sinh ra từ một thiên thạch lao xuống Mặt trăng.

Sự kiện diễn ra lúc 18h14 ngày 23/2 (giờ Hà Nội). Có vẻ thiên thạch đâm xuống gần hố trũng Ideler L, phía tây bắc hố trũng Pitiscus, nhà thiên văn Nhật Bản Daichi Fujii cho biết.

Các thiên thạch di chuyển với tốc độ trung bình khoảng 48.300km/h, hay 13,4km mỗi giây. Cú đâm tốc độ cao của chúng tạo ra mức nhiệt lớn và các hố trũng, đồng thời tạo ra chớp sáng mạnh dưới ánh sáng khả kiến. Các vụ va chạm trên Mặt trăng có thể quan sát từ Trái đất, ví dụ như hình ảnh của Fujii, nếu đủ lớn và xảy ra ở khu vực đối diện với Trái đất vào đêm Mặt trăng.

Các thiên thạch đâm xuống Mặt trăng, khiến Mặt trăng mang rất nhiều hố trũng. 
Các thiên thạch đâm xuống Mặt trăng, khiến Mặt trăng mang rất nhiều hố trũng.

Fujii cho biết, hố trũng mới hình thành có thể có đường kính khoảng 12m. Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt trăng của NASA hoặc tàu thăm dò Mặt trăng Chandrayaan 2 của Ấn Độ có khả năng chụp ảnh được hố trũng này.

Các thiên thạch đâm xuống Trái đất mỗi ngày, phần lớn sẽ bốc cháy hoàn toàn khi lao qua khí quyển. Tuy nhiên, Mặt trăng chỉ có tầng ngoại quyển cực mỏng nên những thiên thạch không thể chạm tới bề mặt Trái đất lại dễ dàng đâm xuống Mặt trăng, khiến Mặt trăng mang rất nhiều hố trũng. Các thiên thạch liên tục lao vào bề mặt Mặt trăng, đôi khi phá vỡ cấu trúc bề mặt thành các hạt tí hon hay đất Mặt trăng.

Việc ghi hình những sự kiện này rất có ý nghĩa, giúp các nhà khoa học tìm hiểu mức độ va chạm trên bề mặt Mặt trăng. Điều này đặc biệt hữu ích với những quốc gia đang dự định đưa phi hành gia lên Mặt trăng sinh sống và làm việc.

Cập nhật: 14/03/2023 VnExpress
  • 370