Nha Trang: Sinh vật biển phát sáng

  •  
  • 1.444

San hô phát quang (Fungia)

Nghiên cứu hiện tượng và khả năng phát quang của sinh vật, trong đó có sinh vật biển, giúp ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực của đời sống. Chẳng hạn để dự đoán các quá trình biến đổi khí hậu đã diễn ra trong quá khứ; hoặc để phân loại hệ thống san hô dựa trên khả năng hấp thụ tia cực tím (UV) và phát ra các sóng điện từ.

Đặc biệt là ứng dụng trong lĩnh vực y học, thông qua phản ứng của tế bào đối với sự kích hoạt của UV nhằm phát hiện và “đánh dấu” các biến đổi bất thường của cơ thể như đối với các khối u...

Ở VN, “Công trình nghiên cứu một số sinh vật biển phát quang dưới sự kích hoạt của ánh sáng cực tím ở vịnh Nha Trang” của bốn nhà nghiên cứu khoa học Viện Hải dương học Nha Trang là Nguyễn Văn Lực, Nguyễn Tác An, Nguyễn Phi Uy Vũ, Hoàng Đức Lưu vừa được công bố là nghiên cứu đầu tiên trên lĩnh vực này.

Việc nghiên cứu sinh vật biển phát quang được tiến hành từ năm 2004, qua ba chuyến khảo sát thực địa các vùng biển quanh các đảo Hòn Mun, Hòn Tre, Hòn Miếu, Hòm Tằm và đã thu thập, thử nghiệm tổng cộng 92 mẫu sinh vật biển; trong đó có 57 mẫu san hô sống, 32 loài cá sống ở rạn san hô và 3 mẫu hải quì...

Ở vịnh Nha Trang, tập trung là khu vực Hòn Mun hiện có trên 350 loại san hô, hải quì và hàng mấy trăm loài cá sống trong rạn san hô... Nhưng việc thu thập và nghiên cứu phát quang chỉ mới thực hiện ở 92 loại như đã kể trên, theo viện trưởng Viện Hải dương học Nguyễn Tác An:

“Dần dần có thể sẽ nghiên cứu hết nhưng do khả năng đầu tư nghiên cứu, ban đầu chỉ mới có thể tiến hành được đến mức đó thôi. Ngay cả việc chọn loại sinh vật biển nào để tiến hành thí nghiệm cũng phải xem cả khả năng sống và đáp ứng được cho nhu cầu nghiên cứu để giảm đến mức thấp nhất thất bại và tốn kém”.

Các nhà khoa học ở Viện Hải dương học đã tiến hành nghiên cứu theo “kiểu VN”. Ông Nguyễn Tác An cho biết: “Các loại đèn mà chúng tôi đã sử dụng chẳng hơn gì loại đèn người ta dùng trong các tụ điểm ca nhạc hiện nay. Ở nước ngoài nhờ có nhiều công cụ phù hợp, hiện đại nên cũng cùng một con vật như thế nhưng khi họ cho chiếu vào đã phát ra rất nhiều bức xạ, hình ảnh rất đẹp...”. 

Từ những kết quả vừa đạt được, Viện Hải dương học tiếp tục thực hiện nghiên cứu chuyên sâu hơn về sinh vật biển phát quang ở vịnh Nha Trang để “không chỉ khẳng định khả năng tiếp cận với các ngành công nghệ mới trên thế giới, mà còn trở thành “vốn” để chúng ta “lên tiếng”, liên kết, hợp tác, trao đổi với các nước, các phòng thí nghiệm trên thế giới, tiếp cận được công nghệ của họ”.

San hô phát quang (Montipora - ở vùng biển Caribbean, Mỹ)Giun nhiều tơ gai Hermodice carunculata (Florida)
Hải quì phát quang (Phymanthus crucifer - ở vùng biển Caribbean, Mỹ)Hải quì phát quang (Condylactis gigantea - ở vùng biển Caribbean, Mỹ)
Hải quì phát quang (ở vùng đáy cát, biển Caribbean, Mỹ)Hải quì phát quang (Phymanthus crucifer - Pedro Bank, Jamaica)

San hô phát quang Acropora

San hô phát quang (Diploria strigosa - ở vùng biển Caribbean, Mỹ)

San hô phát quang Montastraea cavernosa (Honduras)

San hô phát quang Agaricia sp. (Honduras)
San hô phát quang (ở vùng biển Caribbean, Mỹ)San hô phát quang (Montastraea cavernosa - ở vùng biển Caribbean, Mỹ)
San hô phát quang (Bảo tàng Noumea – New Caledonia)San hô phát quang (Bảo tàng Noumea – New Caledonia)
San hô tấm phát quang Leptoseris cucullata (Honduras)Tập đoàn thủy tức phát quang Tubularia sp. (Massachusetts)

PHAN SÔNG NGÂN

Theo Tuổi Trẻ Online
  • 1.444