Viện nghiên cứu sinh học hiện đại thuộc trường Đại học Keio ở thành phố Tsuruoka, tỉnh Yamagata, cùng với trường Đại học California, Los Angeles (UCLA), Mỹ đã tìm ra phương pháp phát hiện bệnh ung thư bằng cách phân tích thành phần nước bọt.
UCLA đã thu thập mẫu nước bọt của 215 người khỏe mạnh và người mắc bệnh ung thư tụy, ung thư vú, ung thư khoang miệng. Trường Đại học Keio đã phân tích các mẫu nước bọt trên và tìm ra các vật chất đặc trưng của từng loại ung thư.
Trong số khoảng 500 chất có trong thành phần nước bọt, các nhà khoa học Nhật Bản đã xác định được 54 chất đặc trưng trong nước bọt người mắc bệnh ung thư có nồng độ cao hơn hoặc thấp hơn so với người khỏe mạnh. Ví dụ như trong nước bọt người mắc bệnh ung thư tụy, nồng độ axít glutamine cao hơn nhiều so với ở người khỏe mạnh.
Các nhà khoa học Nhật Bản đã kết hợp phân tích các đặc trưng của những chất trên và trong số các mẫu nước bọt của những người mắc bệnh ung thư, họ có thể phân loại chính xác tới 99% những người mắc bệnh ung thư tụy, 95% những người mắc bệnh ung thư vú và 80% những người mắc bệnh ung thư khoang miệng.
Thành công này của các nhà khoa học Nhật Bản sẽ giúp phát hiện sớm các bệnh ung thư mà ở thời kỳ đầu khó phát hiện các triệu chứng bệnh, như ung thư tụy, và giúp người bệnh giảm chi phí khám chữa bệnh rất nhiều so với phương pháp xét nghiệm máu và chụp X-quang./.