Nhiều nước đề xuất đưa nước biển vào sa mạc, nhưng điều này sẽ khiến Trái đất quay về kỷ băng hà!

  •   3,33
  • 3.364

Nếu đưa được nước biển vào các vùng sa mạc, các nước sẽ được hưởng các lợi ích từ các dự án thủy điện, ngành công nghiệp... Tuy nhiên, ý tưởng này đã vấp phải sự phản đối của các nhà khoa học.

Mơ ước biến Sahara thành vùng biển

Sabah Al Ahmed là một vùng sa mạc rộng lớn nằm giữa Kuwait và Ả Rập Saudi. Cho tới năm 2002, toàn bộ vùng sa mạc này vẫn chỉ toàn là cát trắng, thế nhưng mọi thứ đã thay đổi bắt đầu từ năm 2003. Hơn 2.000 nhân công đến từ 20 quốc gia khác nhau, 29 máy ủi, 70 máy đào và 113 xe tải hạng nặng đã được huy động tới Sabah Al Ahmed để thực hiện 1 siêu dự án. Đó là tạo ra hệ thống kênh đào dài 200km để đưa nước biển vào sa mạc.

 Hệ thống kênh đào dài 200km ở sa mạc Sabah Al Ahmed để đưa nước biển vào sa mạc.
Hệ thống kênh đào dài 200km ở sa mạc Sabah Al Ahmed để đưa nước biển vào sa mạc. (Ảnh: NBC).

Trước đó, ý tưởng đào 1 con kênh dài 600km và cho nổ hơn 200 quả bom nguyên tử ở sa mạc Sahara để biến nơi này thành một vùng biển rộng lớn đã gần như đi vào thực hiện trong những năm 1980. Được biết, ý tưởng này đã được các nhà khoa học nghiên cứu trong suốt 140 năm.

Kế hoạch này được kỹ sư người Anh - Donald McKenzie lần đầu đề xuất là vào năm 1877. Theo vị kỹ sư này chia sẻ, nếu họ xây được 1 kênh đào dài hơn 600 km từ Mũi Juby của Morocco về phía đông nam vào Mauritania có thể sẽ tạo ra vùng biển nội địa có kích thước bằng Ireland. Mục đích của kế hoạch là để tạo ra nhiều vùng đất màu mỡ hơn cũng như giúp cải tạo khí hậu ẩm ướt hơn.

Một số quốc gia trên thế giới cũng đưa ra phương án dẫn nước biển vào sa mạc để cải thiện khí hậu
Một số quốc gia trên thế giới cũng đưa ra phương án dẫn nước biển vào sa mạc để cải thiện khí hậu và cung cấp nước. (Ảnh: NBC)

Họ dự định dùng thuốc nổ định hướng đào con sông từ tây bắc châu Phi đến trung tâm sa mạc Sahara. Tại trung tâm sa mạc cũng dùng thuốc nổ tạo hố sâu và rộng để dẫn nhiều nước biển vào hoang mạc.

Cơ sở khoa học duy nhất mà các nhà khoa học tin rằng đề án này có thể thành công là việc những khu vực của sa mạc Sahara như lưu vực El Djouf của Mauritania; các hồ muối khô của Tunisia; vùng trũng Qattara ở tây bắc Ai Cập đều nằm thấp hơn mực nước biển.

Vào năm 2012, chính phủ Iran đã quyết định chi 1,25 tỷ USD để bơm nước biển vào thành phố Semnan trong vùng sa mạc rộng lớn. Theo như kế hoạch, nước lấy từ biển Caspian, sau khi được khử muối sẽ được bơm đến thành phố Semnan. Số nước này sẽ được dùng để phục vụ cho thủy lợi, các ngành công nghiệp và sinh hoạt.

Số nước dẫn về từ biển sẽ được dùng để phục vụ cho thủy lợi, các ngành công nghiệp và sinh hoạt.
Số nước dẫn về từ biển sẽ được dùng để phục vụ cho thủy lợi, các ngành công nghiệp và sinh hoạt. (Ảnh: NBC)

Cách đây không lâu, chính phủ Ai Cập đã dự định làm ngập vùng trũng Qattara với mục đích hưởng các lợi ích từ các dự án thủy điện. Các nhà khoa học Đức được thuê đã đề xuất kích nổ 213 quả bom nguyên tử trong lòng sa mạc để đào con kênh. Giải pháp hạt nhân này đã bị chính quyền phản đối và dự án hồ Qattara bị lãng quên.

Một trang trại ở Nam Australia, được sự hỗ trợ của công ty công nghệ nông nghiệp Sund-rop Farms, đã đầu tư 150 triệu USD đưa nước biển từ vịnh Spencer vào vùng sa mạc để trồng rau củ tại đây. Họ đã sử dụng năng lượng mặt trời để khử nước biển và trồng khoai cho năng suất cao. Kết quả là trang trại này đã thu hoạch 8 xe tải khoai tây mỗi ngày và sản lượng trong cả năm đạt được là 15.000 tấn khi hệ thống vận hành hết công suất.

Đưa nước biển vào sa mạc, lợi hay hại?

Trước thực trạng trên, nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi tại sao không dẫn nước trực tiếp vào sa mạc? Các nhà khoa học cho rằng nếu điều này được thực hiện nó sẽ làm cho các vấn đề sa mạc trở nên khó quản lý hơn.

Chúng ta cần hiểu rằng nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng sa mạc hoá là do khí hậu. Ngay cả khi nước biển được dẫn vào thì cũng sẽ bị bốc hơi nhanh chóng bởi không có thảm thực vật nên khó có thể khắc phục được.

Khi nước biển bốc hơi, một lượng lớn hạt muối sẽ bị bỏ lại và làm phá huỷ toàn bộ đất đai khiến không loài thực vật nào có thể phát triển.

Điều quan trọng nhất để kiểm soát sa mạc không phải là dẫn nước vào. Nếu không có thảm thực vật thì lượng nước không có tác dụng gì. Ví dụ nếu muốn quản lý được sa mạc, người ta sẽ từng bước biến sa mạc thành ốc đảo, đầu tiên là trồng các loại cỏ chịu hạn, sau đó sẽ phát triển dần thành cây bụi và cây cối.

Henry Sun, một nhà vi sinh vật học và giáo sư nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Sa mạc và Katherine Mackey, một nhà khoa học khí hậu của Đại học California, Irvine đã đưa ra những lý lẽ như sau để phản đối việc dẫn nước vào sa mạc.

Thứ nhất, việc đưa nước biển vào sa mạc có thể phá hủy các điều kiện sinh thái của địa phương. Trái với suy nghĩ của nhiều người là nước biển sẽ mang lại nguồn nước dồi dào và mưa cho các khu vực xung quanh sa mạc thì việc này mang tới hậu quả nghiêm trọng. Do nước biển sẽ nhanh chóng bị bốc hơi và biến một diện tích lớn đất thành đất mặn giàu kiềm. Chất đất của những khu vực ở sa mạc và quanh nó đều sẽ bị biến đổi tới mức cỏ cũng không thể mọc nổi. Như vậy thì ý tưởng này mang lại cho chúng ta nhiều mất mát hơn là lợi ích.


Ý tưởng đưa nước biển vào sa mạc đã vấp phải một số sự phản đối của các nhà khoa học. (Ảnh: NBC)

Thứ hai, nếu như dẫn gần như một nửa lượng nước của biển Địa Trung Hải và sa mạc Sahara sẽ dẫn đến các hậu quả khôn lường. Việc này sẽ khiến độ nghiêng của Trái Đất bị thay đổi theo. Thậm chí, nó còn khiến toàn lục địa châu Âu rơi vào tình trạng lạnh hơn và có thể dẫn đến sự ra đời của một kỷ băng hà mới.

Thứ ba, việc sử dụng một lượng lớn thuốc nổ trong lòng sa mạc để đào các con kênh có thể gây ra những trận động đất lớn và nhấn chìm cả sa mạc trong biển nước.

Thế nhưng, các thành công mà một số dự án đã gặt hái được đã làm dấy lên hy vọng về một tương lai phía trước nếu các nhà khoa học có thể tìm ra giải pháp thực sự hiệu quả để giải quyết nguy cơ gây biến đổi khí hậu của hành tinh khi đưa biển vào sa mạc.

Cập nhật: 11/08/2024 Tổ Quốc/PNVN
  • 3,33
  • 3.364