Nhồi máu cơ tim khác đột quỵ não thế nào?

  •  
  • 334

Đột quỵ nhồi máu não xảy ra khi mạch máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, nhồi máu cơ tim khi mạch máu nuôi tim bị tắc, đều đe dọa tử vong.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tân, Trưởng Khoa Tim mạch Can thiệp Cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết nhồi máu cơ tim cấp là một cấp cứu tim mạch với những biến chứng nguy hiểm, nếu không xử trí kịp thời có thể tử vong nhanh chóng. Bệnh xảy ra do động mạch nuôi dưỡng tim bị tắc ở một nhánh nào đó, khiến vùng cơ tim diễn tiến hoại tử, dễ dẫn đến suy tim, rối loạn nhịp tim, sốc tim, ngừng tim, đột tử do tim.

Theo bác sĩ Tân, biểu hiện thường gặp là đau tức ngực, khó thở, tim loạn nhịp... Can thiệp động mạch vành trong những giờ đầu tiên được xem là biện pháp điều trị hàng đầu.

Nguyên nhân thường gặp nhất của nhồi máu cơ tim là do sự hình thành cục máu đông bên trong lòng mạch máu làm tắc mạch vành này. Một số các yếu tố nguy cơ làm tăng sự xuất hiện của mảng xơ vữa là hút thuốc lá, tăng huyết áp, thừa cân béo phì, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, tiền căn gia đình có người mắc các bệnh tim mạch sớm (nam dưới 55 tuổi, nữ dưới 65 tuổi).

Đối với người trẻ, nhồi máu cơ tim ở nam cao gấp 3 lần nữ giới. Sau tuổi mãn kinh, do không còn sự bảo vệ từ hormone sinh dục nữ, tỷ lệ bệnh giữa nam và nữ cân bằng trở lại.

Phó giáo sư Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM), cho biết đột quỵ não còn gọi tai biến mạch máu não, là tình trạng máu cung cấp cho một phần não bị gián đoạn hoặc giảm nặng khiến vùng não đó bị thiếu oxy và dinh dưỡng. Chỉ trong vòng vài phút thiếu máu, thiếu oxy, tế bào não sẽ chết. Vùng tế bào não bị tổn thương nặng hoặc lan rộng có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề về rối loạn vận động, nhận thức, ngôn ngữ, thị giác...

Nhồi máu cơ tim cấp là một cấp cứu tim mạch với những biến chứng nguy hiểm.
Nhồi máu cơ tim cấp là một cấp cứu tim mạch với những biến chứng nguy hiểm.

Đột quỵ não gồm hai dạng là nhồi máu não và xuất huyết não.

  • Nhồi máu não (thiếu máu não cục bộ) xảy ra khi mạch máu cung cấp cho não bị tắc bởi cục máu đông, huyết khối, hẹp xơ vữa động mạch. Nhồi máu não phổ biến hơn, chiếm khoảng 85% các trường hợp đột quỵ, có thể chữa khỏi nếu đến viện sớm trong những giờ đầu kể từ khi khởi phát dấu hiệu. Tỷ lệ tử vong ở loại đột quỵ này khoảng 15-20%.
  • Xuất huyết não (chảy máu não) xảy ra khi mạch máu não bị vỡ, máu chảy vào trong hoặc xung quanh nhu mô não. Xuất huyết não chiếm khoảng 15% các trường hợp đột quỵ nhưng biến chứng nặng hơn, số tử vong cao hơn.

Theo bác sĩ Thắng, bệnh nhân xuất huyết não tỷ lệ tử vong lên đến 40%, tiên lượng phụ thuộc chủ yếu vào kích thước khối máu tụ trong não. Kích thước này càng lớn thì bệnh nhân nguy cơ tử vong và tàn phế càng cao. Thông thường việc điều trị chỉ nhằm giúp kích thước khối máu tụ không tăng thêm và làm giảm các biến chứng.

30% bệnh nhân xuất huyết não có thể hồi phục, đi lại được và 30% bệnh nhân tàn phế vĩnh viễn. Tàn phế ở đây gồm hai mức độ là có thể tự sinh hoạt cá nhân nhưng không thể quay lại công việc ban đầu; tàn phế nặng là phải nằm một chỗ trên giường, không thể tự chăm sóc bản thân.

Bác sĩ Võ Văn Tân, Trưởng Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết bệnh nhân nhồi máu não đến viện sớm trong thời gian vàng có thể điều trị hiệu quả bằng thuốc tiêu sợi huyết, can thiệp nội mạch.

Bệnh nhân xuất huyết não tùy nguyên nhân sẽ có cách điều trị phù hợp. Trường hợp do tăng huyết áp sẽ được kiểm soát huyết áp, hồi sức tích cực. Nếu xuất huyết não xuất phát từ bất thường mạch máu sẽ được xử lý bằng can thiệp nội mạch hoặc phẫu thuật...

"Đột quỵ não dạng nào thì khi xuất hiện các triệu chứng cũng cần đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Áp dụng các phương pháp điều trị truyền miệng, dân gian, sẽ làm chậm trễ thời gian vàng điều trị", bác sĩ Tân nói.

Bác sĩ Trần Thị Mai Uyên, Trưởng Khoa Nội thần kinh - Đột quỵ, Bệnh viện Gia An 115, cho biết cấp cứu sớm trong "thời gian vàng" 3-4,5 giờ từ khi khởi phát triệu chứng đầu có ý nghĩa rất quan trọng, giúp giảm tỷ lệ tử vong và tăng cơ hội hồi phục.

Hiện nay Việt Nam tiếp cận nhiều kỹ thuật mới nhất trong chẩn đoán, điều trị đột quỵ của thế giới. Nhiều trung tâm nước ta đã sử dụng hình ảnh học tiên tiến để chẩn đoán đột quỵ, điều trị tái tưới máu bằng kỹ thuật hiện đại như tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, lấy huyết khối bằng dụng cụ... Gần đây với sự trợ giúp của phần mềm RAPID ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thời gian cứu não có thể lên đến 24 giờ.

Nhóm yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ não là tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu. Một số yếu tố khác là béo phì, hút thuốc lá, người bệnh tim mạch, nghiện rượu bia, từng có cơn thiếu máu não thoáng qua...

Theo bác sĩ Uyên, trước đây nhiều người nghĩ tai biến mạch máu não chỉ xảy ra ở người cao tuổi, nguy cơ mắc bệnh tăng lên theo tuổi tác. Tuy nhiên nhiều thống kê gần đây cho thấy số lượng người bệnh trẻ dưới 45 tuổi ngày càng tăng. Không ít trường hợp tử vong hoặc phải sống cả đời trong cảnh tàn phế sau cơn đột quỵ, dù tuổi đời còn rất trẻ, để lại hậu quả nặng nề hơn cho bản thân, gia đình và xã hội.

Bác sĩ khuyến cáo người đang mắc các bệnh lý như tim mạch, đái tháo đường... cần kiểm soát và điều trị tốt. Chú ý kiểm tra sức khỏe định kỳ và tầm soát đột quỵ, nhất là với những người có nguy cơ cao. Xây dựng lối sống tích cực, hạn chế bia rượu, không hút thuốc lá, không sử dụng các chất kích thích, ăn uống điều độ, tăng cường rau xanh, hoa quả tươi, giảm muối, giảm mỡ, tập luyện thể dục hàng ngày, tránh căng thẳng thần kinh quá mức và kéo dài...

Bệnh nhân đột quỵ có thể xuất hiện đột ngột triệu chứng tê hoặc yếu vùng mặt, tay hoặc chân. Đặc biệt khi triệu chứng xảy ra ở một bên cơ thể, méo miệng, đột ngột không nói được hoặc khó nói, nhìn mờ, đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng... Khi ấy cần chuyển ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có khả năng xử trí và cấp cứu đột quỵ.

Cập nhật: 11/12/2020 Theo VnExpress
  • 334