Những anh tài khoa học sinh năm Hợi

  •  
  • 564

Trong lịch sử thế giới, nhiều anh tài khoa học sinh năm Kỷ Hợi (1839, 1959) để lại nhiều di sản cho nhân loại.

Chiếc xe chạy điện đầu tiên

Gustave Pierre Trouvé (1839-1902) là một kỹ sư điện và là nhà phát minh nổi tiếng người Pháp.

Sinh trưởng trong một gia đình tầm trung sống bằng nghề buôn bán gia súc, Trouvé không thể hoàn thành con đường học vấn của mình và đành theo nghề làm ổ khóa.

Đến năm 1865, Trouvé mở một cửa hàng bán đồ điện ở Paris và bắt đầu niềm yêu thích sáng chế. Ông có thể lắp ráp thành thạo các thiết bị điện, đồng thời tạo ra những dụng cụ độc đáo đến mức được lên hẳn tạp chí khoa học La Nature thời bấy giờ.

Trong những năm 1870, ông mày mò chế tạo được hàng loạt sản phẩm mới, trong đó có máy điện tín di động phục vụ cho quân đội, máy dò kim loại dưới lòng đất mà sau này được ứng dụng làm máy dò mìn, điện thoại với micro có thể di chuyển…


Chân dung Trouvé - (Ảnh tư liệu).

Tuy nhiên, sản phẩm để đời của Trouvé chính là xe chạy bằng điện đầu tiên trên thế giới. Chiếc xe đạp ba bánh được trang bị motor điện một chiều công suất 0.1hp và chạy bằng điện từ ắc quy chì-acid. Trọng lượng toàn bộ xe và người lái khoảng 160kg.

Ban đầu, người ta không chú ý nhiều đến sự kiện này vì nhìn chung xe chưa đủ hoàn thiện để hoàn toàn thay thế xe kéo ngựa khi chỉ đạt tốc độ 15km/h và trong phạm vi 16km.

Đến năm 1864, Trouvé cải tiến chiếc xe điện của mình và tham dự cuộc đua từ Paris đến Rouen với quãng đường 1.135km trong thời gian 48 giờ 53 phút, với tốc độ trung bình 23,3km/h, vượt xa tốc độ xe ngựa kéo.

Từ đó, công chúng ngày một quan tâm đến sản phẩm này của Trouvé - cơ sở cho những chiếc ôtô ra đời sau này.

Cha đẻ của môn giải tích vectơ


Josiah Willard Gibbs là một trong những người sáng lập môn giải tích vectơ - (Ảnh: Scientist).

Josiah Willard Gibbs (1839-1903) là một nhà lý hóa học người Mỹ, đồng thời cũng là một trong những người sáng lập ra môn giải tích vectơ.

Gibbs nhận bằng tiến sĩ năm 1863 tại trường ĐH Yale (Mỹ) sau đó tiếp tục làm việc với Oliver Heaviside và đưa ra khái niệm về môn giải tích vectơ với mục đích áp dụng trong vật lý.

Cuối thập niên 1860, Gibbs viết công trình đầu tiên về giải tích vectơ để dạy cho học sinh của mình. Sau này, tất cả những bài giảng về giải tích vectơ của ông được thu thập và in thành sách năm 1901.

Trong lĩnh vực hóa lý, ông nổi tiếng với những công trình trong lĩnh vực nhiệt động học.

Những công trình quan trọng nhất của ông được in thành sách với tên gọi Cân bằng của những vật chất không đồng pha, là cơ sở cho ngành nhiệt động lực học hóa học. Ông cũng là người đưa ra những khái niệm về thế năng hóa học và hàm biến đổi.

Nhà khoa học giành giải Nobel từng… lưu ban


Koichi Tanaka cùng vợ nhận giải Nobel năm 2002 - (Ảnh: Japan Times).

Ông Koichi Tanaka sinh năm 1959 tại Nhật Bản là một trong những người thắng giải Nobel thật đặc biệt.

Khi còn nhỏ, ông không dám nói chuyện với bạn bè nên mọi người hay cho ông là kẻ ngốc. Ông thường bị những bạn lớn hơn bắt nạt.

Đến năm 18 tuổi, ông cố gắng thi đậu vào Trường đại học Đông Bắc - một trong những trường ưu tú nhất tại Nhật, nhưng phải học lại một năm do thành tích không tốt.

Do ông học kém, đến khi tốt nghiệp, thầy giáo phụ trách đã nhận xét với ông rằng: "Tôi chưa từng thấy học sinh nào kém như vậy".

Khi tìm việc, Koichi Tanaka bị các công ty lớn từ chối nhận làm kỹ sư và sang làm ở một công ty nhỏ chuyên sản xuất các thiết bị đo đạc.

Năm ông 28 tuổi, công ty muốn chế tạo ra một sản phẩm mới nên phân công ông nằm trong nhóm nghiên cứu đo đạc chất lượng của đại phân tử sinh học, tuy nhiên việc này lại trái chuyên ngành vật lý kỹ thuật của ông.

Trong quá trình mày mò vừa làm vừa học, Koichi Tanaka đã phát hiện một hỗn hợp độc đáo giúp phân tách thành công phân tử lượng trong 10.000 hợp chất.

Điều đáng nói, phát hiện này đến trong một lần tình cờ, Tanaka lỡ tay đổ Glycerin vào thuốc thử Cobalt nhưng vẫn tiếp tục sử dụng hỗn hợp trên do thuốc thử lúc này rất đắt tiền.


Tanaka được xem như người đoạt giải Nobel ít bằng cấp nhất - (nh: Key Word House).

Cũng nhờ công trình đó, Tanaka đã cho thấy có thể sử dụng kỹ thuật đo phổ để xác định sự có mặt của protein trong mẫu thử, nhờ đó việc nghiên cứu protein trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt là trong các dung dịch. Trước đây, kỹ thuật này chỉ được dùng để xác định dấu vết các nguyên tố hóa học.

Koichi Tanaka giành Nobel hóa học năm 2002, đồng thời được xem là người đoạt giải Nobel với bằng cấp… thấp nhất, thậm chí còn chưa được học chuyên sâu về hóa học.

Trước khi nhận giải, gần như không có học giả nào biết đến ông, và tư liệu của ông cũng không được tải lên kho tư liệu của các học giả.

Nhưng đến khi sở hữu giải Nobel, trường đại học cũ của ông đã phong cho ông bằng danh dự tiến sĩ hóa học một cách vô điều kiện.

Khi đó, ông đã trả lời phỏng vấn báo chí một cách mộc mạc: "Sau khi có bằng tiến sĩ, vé máy bay của tôi được miễn phí nâng cấp lên vé hạng thương gia, tôi chưa bao giờ được ngồi ghế hạng thương gia, sau này tôi sẽ thử trải nghiệm một chút".

Cập nhật: 12/02/2019 Theo Tuổi Trẻ
  • 564