Những bệnh lý bàn chân liên quan đến giày dép

  •  
  • 3.157

Chức năng số một của giày dép là bảo vệ bàn chân. Nhưng càng ngày người ta chỉ quan tâm tới tính thẩm mỹ mà không để ý tới chức năng bảo vệ của nó. Kết quả là rất nhiều người bị đau chân, bị bong gân và nhiều bệnh lý khác bởi diện những đôi giày không phù hợp.

Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy có đến 72% người Mỹ không đi giày đúng cỡ. Trong số đó có đến gần 40% có vấn đề về bàn chân do giày dép. Hậu quả là 1/3 số trong số người có bệnh lý bàn chân phải phẫu thuật và 1/5 phải áp dụng biện pháp tồn tại.

Bác sĩ Thái Thị Hồng Ánh, Trưởng khoa cơ xương khớp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP HCM cho biết, ngày càng có nhiều người đến khám bàn chân, mà các bệnh lý bàn chân như: tê, đau buốt, di chuyển khó khăn, viêm cân mạc bàn chân, ngón chân quặp vào nhau, hoại tử móng chân, nấm móng, viêm dây thần kinh... đều liên quan đến việc sử dụng giày dép không phù hợp với kích thước, với loại bàn chân.

Chị Hồng bị đau buốt gót chân lẫn bàn chân, bác sĩ cho biết là do mang giày cao gót. Chị không tin vì "người bạn cùng tuổi, vóc dáng cũng bằng tôi cùng đi một kiểu giày như tôi nhưng đâu có bị đau chân". Đây là một trường hợp điển hình trong rất nhiều người có sự hiểu biết không đúng về mối liên quan giữa bàn chân và giày dép.

Bác sĩ giải thích: Các nhà nghiên cứu chia bàn chân con người làm 5 loại, mà mỗi loại có một đặc điểm khác nhau. Bàn chân Ai Cập có ngón số 1 (chân cái) dài nhất. Bàn chân Hy Lạp có ngón thứ 2 dài nhất (đây là bàn chân tiêu chuẩn và dễ chọn lựa giày dép nhất). Bàn chân vuông có ngón thứ 2 và thứ 3 bằng nhau. Hai loại hay gây rắc rối nhất là bàn chân hỗn hợp có 5 ngón chân xoè ra và bàn chân kiểu người tiền sử có ngón số 1 quặp vào trong (còn gọi là bàn chân giao chỉ). Bên cạnh đó, các dây chằng, gân gót chân của mỗi người có độ dài ngắn khác nhau. Cùng mang một kiểu giày nhưng người có gân gót quá ngắn sẽ không giãn ra đủ theo sự biến dạng của giày nên dễ làm bong gân cổ chân, làm đau buốt gót chân.

Bàn chân của con người thay đổi kích thước theo tuổi tác. Tuổi càng cao bàn chân có khuynh hướng lớn ra cả chiều dài lẫn chiều ngang. Nghiên cứu cho thấy hoạt động trong ngày cũng ảnh hưởng đến kích thước bàn chân càng hoạt động nhiều thì kích cỡ bàn chân càng to ra. Đặc biệt, những thai phụ đến ngày gần sinh có bàn chân lớn hơn bình thường ít nhất một số. Do đó mỗi một thời điểm người ta cần đo lại cỡ chân để chọn cỡ giày dép cho phù hợp.

Hiện nay trên thị truờng có khá nhiều loại giày, nhưng mỗi loại chỉ thích hợp với một loại bàn chân như:

  • Giày balle có đế thấp và bằng: phù hợp với lòng bàn chân chắc chắn và mềm dẻo (như các diễn viên múa balle).
  • Giày cao gót thích hợp với người có kiểu bàn chân Hy Lạp, không thích hợp cho người hay phải vận động mạnh.
  • Kiểu giày Charles IX: giày có thêm quai ngang sẽ giữ chắc chắn và giảm ma sát giữa bàn chân và giày.
  • Giày mọi là loại có cổ rộng, đế vừa phải thích hợp cho người có vấn đề về bàn tay và cột sống ( không phải cúi xuống khi mang giày).
  • Giày ống ôm cổ chân khi mang giúp ổn định bàn chân rất tốt cho người mang chi giả.
  • Giày ống cao gót, chỉ có chức năng thẩm mỹ không có chức năng bảo vệ, thường làm mất tính ổn định cổ chân và khớp gối của người mang.

Do bàn chân có nhiều loại khác nhau với đặc điểm riêng nên mỗi người cần biết một số nguyên tắc về giày dép khi chọn mua. Loại bàn chân thường gặp các bệnh lý là: Bàn chân kiểu Ai Cập thường có vấn đề ngón số 1. Vì người ta thường mang giày chật, gót cao và mũi nhọn làm ngón số 1 bị vẹo, bị gập do ép vào các ngón chân khác. Bàn chân hỗn hợp, bàn chân kiểu người tiền sử thường xuyên mang dép lê sẽ bị các nốt chai, các ngón bị quẹo, viêm cân mạc lòng bàn chân, làm lòng bàn chân bị đau, đau móng, nấm móng, dây thần kinh bị viêm...

Bàn chân có lòng bàn chân hướng ra ngoài thường gây hội chứng ống cổ chân làm tê từ cổ đến ngón chân, thậm chí lan đến gối. Bàn chân có vòm hơi cong thuờng gây trầy xước nên dễ làm viêm loét nhiễm trùng vùng bị tổn thương. Ngoài ra, một người có bàn chân quá nhỏ nhưng có một thân người to lớn cũng rất hay gặp các bệnh lý bàn chân vì trọng lực của thân người làm bàn chân không chịu đựng nổi. Bàn chân nhỏ nhưng mang một đôi giày hay dép rộng hơn cũng gây ra bệnh lý vì bàn chân phải dùng quá nhiều lực để giữ thăng bằng cho cơ thể.

Tất cả, các bệnh lý bàn chân đều ảnh hưởng tới khả năng di chuyển của chúng ta. Do đó, bác sĩ Hồng Ánh khuyên mọi người nên biết một số nguyên tắc khi chọn mua giày dép cho mình:

Quy tắc về gót giày: chiều cao gót giày không quá 5cm, hạ gót không quá 2,5cm, rộng gót nên lớn hơn 2cm, độ dốc không quá 10 độ.

Cách tính cỡ giày cho từng người: chiều dài được tính từ gót đến ngón dài nhất cộng thêm 2/3 cm. Chiều rộng tính từ xương ngón chân số 5 đến số 1. Nếu số đo 2 chân không bằng nhau phải chọn cỡ của bàn chân có số đo lớn hơn khi chọn giày.

Một số mẹo để nhận biết một đôi giày đạt yêu cầu:

Chọn loại giày có đế chắc chắn, mũi giày mềm dẻo ( một đôi giày đạt yêu cầu về độ mềm dẻo là khi ta bẻ gập đôi gày lại rồi trả nó về vị trí ban đầu mà không gây biến dạng). Mũi giày có độ hếch lên vừa phải để dễ dàng khi di chuyển. Khuôn giày hợp với dáng bàn chân (tốt nhất nên lật ngược giày lên để ướm thử lòng bàn chân với khuôn giày). Gót giày phải nằm sát và thẳng góc mặt sau. Kiểm tra thật kỹ xem những đường may có gây va chạm khó chịu khi mang giày không. Những đôi giày gây đau, tạo cảm giác khó chịu khi mang không nên chọn vì nó sẽ gây ra các bệnh lý bàn chân.

Nên mua giày vào buổi chiều vì khi đó kích cỡ bàn chân mới thể hiện tối đa. Những phụ nữ mang thai là người cần có sự thay đổi về kích thước giày dép cho phù hợp với thời gian.

Để giải quyết những bệnh lý bàn chân liên quan đến giày dép, bác sĩ khuyên nên lập tức thay đổi giày dép cho phù hợp với bàn chân. Có thể dùng thêm miếng lót trong giày dép để nâng đỡ bàn chân. Có thể nhờ bác sĩ tư vấn trước khi dùng thuốc kháng sinh đối với các bệnh lý viêm, sưng, đau. Đối với những trường hợp quá nặng cần đến khám bác sĩ để được điều trị đúng. Thai phụ nên đi bộ đều đặn để giảm sưng bàn chân.

Bác sĩ Hồng Ánh cảnh báo rằng: Việc mang những đôi dép massage có gai mặt trong cũng không tốt nếu mang ở tư thế đứng hay đi liên tục quá 30 phút. Người có bệnh lý bàn chân và bệnh tiểu đường tuyệt đối không được mang loại dép này vì không tốt cho tĩnh mạch bàn chân.

Trong bất kỳ trường hợp nào khi đau nhức bàn chân hay bị khối u cũng không nên xoa bóp hay dán cao lên chỗ đau và khối u vì sẽ làm khối u lớn hơn và làm tình hình tồi tệ thêm. Những người bệnh tiểu đường tuyệt đối không nên massage và ngâm chân trong nước nóng, không dán cao vì sẽ làm giảm tĩnh mạch, bệnh sẽ nặng thêm. Đối với những người bình thường có thể massage và ngâm chân trong nước nóng nhưng mỗi lần không được quá 30 phút. Khi thực hiện nếu có cảm giác khó chịu hay đau phải lập tức ngưng ngay để tránh tổn thương.

Bác sĩ Hồng Ánh khuyên mọi người không nên tự ý cắt những cục chai ở chân vì dễ gây sang thương nhiễm trùng bàn chân, tốt nhất nên đến cơ sở y tế để được xử lý đúng. Việc cắt khóe chân khi làm móng là nguyên nhân làm móng quặp làm ngón chân bị sưng và đau. Do đó mọi người không nên cắt khóe chân.

Mỹ Lan

Theo VnExpress
  • 3.157