Những cơn sóng thần không thể dự báo trước

  •  
  • 3.643

Cơn bão Mentwai, Indonesia: Thiết bị dự báo tê liệt

Một trong những hậu quả kinh hoàng nhất mà những trận động đất gần bờ biển gây ra chính là sự trỗi dậy của các cơn sóng thần khổng lồ có sức tàn phá không gì có thể ngăn cản được, nó quét sạch mọi thứ trên đường đi của mình. Tuy nhiên cho mãi đến tận ngày nay, các nhà khoa học trên thế giới vẫn đang sống canh cánh với câu hỏi tưởng như rất đơn giản: Tại sao lại có hiện tượng sóng thần, tại sao có vùng gần biển có sóng thần nhưng có những vùng nằm gần biển lại không có sóng thần hoặc rất hiếm khi xảy ra?

Nếu như thật sự chúng ta có thể biết trước được thời gian và địa điểm chính xác sẽ hình thành sóng thần thì tin chắc rằng tấn thảm kịch kinh hoàng do sóng thần tạo ra trên quốc đảo Indonesia trong tháng 10/2010 hẳn sẽ tránh được, đồng thời giảm thiểu tối đa thiệt hại không thể thống kê được từ thảm hoạ thiên nhiên kinh hoàng này. Một trận động đất với cường độ tâm chấn đo được là 7,5 độ Richter đã diễn ra vào cuối ngày thứ Hai, ngày 25/10/2010 ở Indonesia, sức ảnh hưởng của động đất đã kéo theo một đợt sóng thần, ảnh hưởng trực tiếp lên quần đảo Mentawai, phía Tây của Inđônêsia.

Tâm chấn của trận động đất trước đó nằm cách đảo Nam Pagai thuộc quần đảo Mentawai khoảng 78 km về phía Tây, tại độ sâu 20 km bên dưới đáy biển Thái Bình Dương. Ngay tức khắc sau đó, trong vài phút đầu tiên sau khi trận động đất bùng phát, chính quyền Indonesia đã ghi nhận về mối đe dọa của sóng thần nhưng sau đó không hiểu vì nguyên cớ gì mà đã không gia tăng mức độ ảnh hưởng cho dân chúng biết mà thay vào đó còn bãi bỏ sự cảnh báo… hết sức chính xác này. Theo đó, các chuyên gia khí tượng từ Trung tâm Cảnh báo Sóng thần (TWC) tại Thái Bình Dương đã ra một báo cáo tuyên bố về mối nguy hại của một trận sóng thần có dấu hiệu hình thành thời điểm đó, nhưng báo cáo trên đã bị phớt lờ đi. Tuy nhiên, những diễn biến sau đó khiến cho mọi dự báo bị cho là “sai lệch” trước đó bỗng biến thành sự thật.

Vào buổi sáng của ngày 26/10/2010, một con sóng khổng lồ cao ước gần 3 mét, với âm thanh ầm ì như sóng động đã tràn vào quần đảo Mentawai trước con mắt sững sờ của cư dân địa phương, mặc dù các nhà khoa học đã cảnh báo nhưng quả là sóng thần gây bất ngờ khiến trở tay không kịp.

Trong số những hòn đảo bị gánh chịu thiệt hại sóng thần nặng nề nhất là đảo Nam Pagai thuộc quần đảo Mentawai, nơi đây sóng thần đã hủy hoại 80% hệ thống nhà cửa. Nhiều người đã bị thiệt mạng trong thảm hoạ thiên nhiên này, thậm chí nhiều người còn được báo cáo là đã mất tích kông tìm được xác. Tại ngôi làng Betu Monga, nơi có khoảng 200 dân cư sinh sống thì đã có 160 người ra đi trong trận sóng thần, nạn nhân hầu hết là phụ nữ và trẻ em. Ở đảo Nam Pagai, sóng thần đã khoét một hố sâu 600 mét trên bờ biển của các ngôi làng, trên đảo Bắc Pagai, những con sóng hung tàn đã quất vụn những ngôi nhà. Đảo Sipura cũng bị tàn phá. Xấp xỉ 3.000 người đã chạy tị nạn tới những trung tâm dành cho nạn nhân của vụ sóng thần. Theo dữ liệu sơ bộ, sau khi con sóng thần hung hãn rút đi, đã có khoảng 270 dân thường bị thiệt mạng và gần 500 người được cho là mất tích chưa tìm được xác.

Giả thuyết liên quan tới Sóng thần, động đất

Nhiều người luôn nghe nói đến mối nguy hiểm của thảm hoạ sóng thần thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng và không ít người đã trở thành nạn nhân, và nhiều cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa đưa ra một quyết sách tối ưu sau mỗi lần xảy ra động đất ngay trên lãnh thổ đất nước mình, bởi vì sau động đất hẳn sẽ có sóng thần, và hai mối nguy hại này lại xảy ra song song cùng một thời điểm, nên không tài nào tránh kịp. Mặt khác, nhiều nhà khoa học lại chưa đưa ra được những lời dự báo chính xác. Trong trường hợp này, một vài người có linh tính về điều gì đó, tuy nhiên lại chỉ trích những ai nói “ác mồm ác miệng”, còn có những người không tin 100% về những dự báo sóng thần sắp sửa xảy ra mà cho rằng đó là một trò đùa cợt vô lối.

Những con sóng thần bắt nguồn từ đâu? Có những người tin rằng sóng thần (từ vùng biển Nhật Bản) xảy ra bởi một số lý do khách quan. Có thể nó xuất phát từ một trận động đất dưới đáy biển (như vụ xảy ra ở quần đảo Mentawai trong những ngày gần đây) hoặc nó hình thành là do hoạt động phun trào dung nham núi lửa dưới đáy biển (tương tự như trận sóng thần hình thành sau khi núi lửa Krakatoa (Indonesia) hoạt động vào năm 1883, đã thiêu cháy hơn 5.000 chiếc tàu và khiến cho 36.000 người bị thiệt mạng). Mặt khác, có giả thuyết cho rằng sóng thần hình thành là do hiện tượng lở đất dưới đáy biển (gây ra thảm hoạ sóng thần ở Tân Ghinê vào năm 1998) cũng như hiện tượng thay đổi áp suất khí quyển đột ngột trên bề mặt đại dương (hiện tượng này thường xảy ra quanh quần đảo Balearic (phía Tây biển Địa Trung Hải thuộc Tây Ban Nha), dân địa phương gọi là “Rissaga”).

Tuy nhiên, lý do chính trong việc xuất hiện những con sóng khổng lồ chính là những trận động đất dưới đáy biển xung quanh những quần đảo trên bề mặt các đại dương, với tâm chấn nằm ở đáy các quần đảo. Nhưng nguyên nhân chính xác khiến cho sóng có thể “ngóc đầu” là gì ?Nếu chúng ta nhớ rằng, trong suốt thời gian diễn ra những trận động đất dưới đáy biển là một phần của lớp vỏ trái đất bị “thủng”: Một số bị nén lại, số khác “ngóc đầu” dậy thay hình đổi dạng trên bề mặt của đáy biển. Do sự nén của nước và tốc độ của quá trình làm biến dạng bề mặt địa hình của đáy biển, khiến cho tầng nước bên trên bề mặt địa hình bị dịch chuyển, kết quả là lớp nước trên bề mặt đại dương dâng cao hơn mức bình thường và gây ra hiện tượng sóng thần.

Xa hơn nữa là, một khi nước dâng cao nó sẽ tạo thành một con sóng phát ra các rung động âm thanh với cường độ lớn, sóng bình thường thì không nghe rõ, hoặc ít, nhưng với sóng thần thì cường độ âm thanh lên mức cực đại, sóng bắt đầu “giãn nở” và phát tán ra với tốc độ cực nhanh (ước tính từ 50 km/giờ lên đến 1.000 km/giờ). Xét về tính logic thì những trận động đất ven các khu vực biển duyên hải đều có thể tạo nên sóng thần vì vậy các nhà khoa học nên có những dự báo chính xác dựa trên những thông số về các hoạt động kiến tạo địa chất tại những vùng nguy hiểm. Tuy nhiên, nói thì dễ nhưng bắt tay vào mới thấy cực khó. Thực tế đã có những cuộc quan sát trước đó từng ghi nhận rằng một số trận động đất với sức mạnh hủy diệt nhưng lại không hề tạo ra sóng thần. Ngược lại, đôi khi một số rạn nứt nhỏ tại vỏ quả Đất lại có thể gây nên những trận sóng thần khổng lồ trên mặt biển. Thành thật mà nói, việc đề phòng hiểm hoạ tiềm tàng từ sóng thần không phải là bài toán dễ giải đáp, vì thế nên chăng là phải kiện toàn lại hệ thống các máy móc thật hiện đại để phục vụ cho công tác đo đạc cường độ động đất tại những vùng có biến cố xảy ra.

Liệu có thể phòng ngừa sóng thần được chăng?

Thảm hoạ sóng thần vừa xảy ra ở Indonesia những ngày vừa qua đã khiến cho cả thế giới giật mình kinh hãi, các quan chức tại Trung tâm Cảnh báo Sóng thần (TWC) tại Thái Bình Dương đã băn khoăn khi cho rằng động đất là chuyện bình thường và không hề nghĩ rằng sóng thần lại có thể xảy ra liền ngay sau đó. Không ai nghĩ rằng hậu quả lại thảm khốc đến thế. Chi phí giành cho công cuộc tái thiết lại những vùng bị ảnh hưởng ở quần đảo Mentawai hẳn là rất nặng nề, đặc biệt chi phí tái ổn định cuộc sống cho những người sống sót sau thảm hoạ chắc chắn sẽ “thổi bay” một khoản ngân sách không hề nhỏ của chính phủ Indonesia. Nhưng liệu những “cử chỉ” của sóng thần thật sự có thể dự báo một cách khả thi hay không? Thực ra, mối e ngại về thảm hoạ sóng thần từng là đề tài nghiên cứu của nhiều nhà khoa học hàng đầu nước Nga vào đầu thế kỷ 21. Tất cả đều nhất trí cho rằng sóng thần chỉ diễn ra tại những “vùng đặc biệt” trên thềm đại dương, được gọi bằng cái tên khoa học là “kẽ hở địa chấn”.

Như chúng ta từng biết, từng học trong sách giáo khoa Địa lý, các đĩa vỏ trái đất (bao gồm cả đại dương), hình thành nên bề mặt của hành tinh chúng ta, không phải đứng yên một chỗ mà luôn chuyển động không ngừng. Trong trường hợp này, một cái đĩa sẽ “trượt” lên trên hoặc bên dưới những đĩa khác. Kết quả của mỗi lần “trượt”, các đĩa địa chất trên thềm đại dương hình thành “vỏ” các lục địa, sẽ hình thành một quy trình ma xát đáy lục địa. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những trận động đất ven các vùng biển duyên hải chính là xảy ra tại những nơi như thế này.

Với trường hợp như thế, nhà địa chấn học Sergey Fedotov vào thập niên năm 1970 đã quan sát những phần khác nhau của khu vực này đã diễn ra những thuộc tính hoạt động khác nhau. Một số nơi thường hay rung lên, số khác lại rung rất ít hoặc im lìm trong suốt hàng trăm năm. Ông Sergey Fedotov gọi những khu vực như vậy là “kẽ hở địa chấn” và những kẽ hở địa chấn thực sự rất nguy hiểm bởi những hoạt động chuyển động liên tục. Có khi nó im lặng, song có khi hình thành những vụ nổ dữ dội, bởi vì trải qua nhiều năm dài, những khu vực này chịu một áp suất rất lớn. Kết quả là các kẽ hở trương phồng lên và phát nổ, đẩy nước biển từ bên dưới lao vọt lên trên mặt biển, hình thành những trận sóng thần.

Không lâu sau đó, nhà địa chấn học Sergey Fedotov đã đưa ra những lời dự báo về thời gian và địa điểm xảy ra trận sóng thần tại quần đảo Kuril (Sakhalin, Nga) một cách chính xác, đây là một trong những minh hoạ có sức ảnh hưởng nhất mà sau đó các nhà khoa học Liên Xô ứng dụng một phương pháp để dự báo chính xác nguồn cơn thảm hoạ. Do đó việc dự báo trước sóng thần có thể là một vấn đề hóc búa nhưng không phải là không làm được. Hiện tại, các nhà khoa học đang lên bản đồ chi tiết về những khu vực có hiện tượng “kẽ hở địa chấn” tại các đại dương trên hành tinh. Khi công trình khoa học vĩ đại này hoàn tất thì tin chắc rằng những thông điệp từ các nhà địa chấn học sẽ là tối hậu thư để giúp nhân loại tránh được những mất mát, đau thương như trận sóng thần vừa xảy ra ở Inđônêsia trong tháng 10 vừa qua.

Trương Diệc Quyền (tổng hợp)
  • 3.643