Những điều thú vị về nghi lễ cầu may ở các quốc gia châu Á

  •   52
  • 175

Việc cầu may là một phong tục cổ truyền đã được áp dụng rộng rãi trong nhiều quốc gia châu Á, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan và Indonesia. Nó được thực hiện trong các dịp lễ hội, đặc biệt là trong dịp Tết hoặc các ngày lễ quan trọng khác. Phong tục này được coi là một cách để cầu xin may mắn và thành công trong cuộc sống, và được thực hiện bằng cách đeo hoặc treo các dây cầu may hoặc gửi các lá cầu may lên trời.

May mắn là một khái niệm siêu hình và khó có thể lý giải bằng khoa học. Mỗi một người đều mong muốn cuộc sống của mình đều ngập tràn may mắn, hạnh phúc, tuy nhiên thật không dễ để nắm bắt và kiểm soát may mắn.

Chính vì may mắn rất khó lý giải nên con người từ xa xưa đã hình thành niềm tin tâm linh về các phong tục cầu may, đặc biệt là vào thời điểm năm mới, thời điểm chuyển giao và đánh dấu một cột mốc mới. Nhiều quốc gia châu Á đã hình thành những phong tục tập quán, những niềm tin riêng về việc cầu may mắn và bình an. Dưới đây là một số thực hành tín ngưỡng tiêu biểu:

1. Myanmar

Người Myanmar đặt nhiều niềm tin vào sự may rủi, thậm chí tin rằng tất cả sự việc xảy ra dù tốt hay xấu đều nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Nhiều người tìm đến thầy bói để mong muốn nhìn trước được tương lai, để nếu có tai họa xảy đến thì vẫn ngăn chặn kịp thời. Do đó, thầy bói, người có khả năng thay đổi vận mệnh, là một nghề béo bở và hái ra tiền ở nước này.

Nat đại diện cho linh hồn bảo hộ.
Nat đại diện cho linh hồn bảo hộ.

Trong văn hóa dân gian, người Myanmar thờ cúng Nat (nghĩa là linh hồn), bắt nguồn từ niềm tin rằng vạn vật đều có linh hồn và những linh hồn này có thể đem đến tai họa nếu không được tôn thờ cẩn thận, niềm tin này giống với tín ngưỡng Thần đạo của người Nhật.

Để cầu may, người tham gia sẽ cầu xin điều ước từ linh hồn. Nếu điều ước thành hiện thực, người đó có nghĩa vụ phải trả lễ cho các linh hồn. Các nghi lễ thường bao gồm uống rượu say, tiệc tùng và quyên góp tiền mặt với sự giám sát của Nat Ka Daw (những người tự xưng là vợ của Nat).

Một phương thức cầu nguyện khác là đếm chuỗi hạt. Phong tục này dựa trên chín phẩm chất của Đức Phật, trong đó một người sẽ đếm các hạt theo số vòng cố định tròng vòng 81 ngày, đồng thời niệm một phẩm chất của Đức Phật. Ước nguyện sẽ thành hiện thực khi người đó hoàn thành nghi lễ sau 81 ngày.

2. Ấn Độ

Người Ấn Độ khi chuyển đến nhà mới sẽ đun sôi sữa.
Người Ấn Độ khi chuyển đến nhà mới sẽ đun sôi sữa.

Khi chuyển đến một ngôi nhà mới, người theo đạo Hindu thường thực hiện nghi lễ để bảo vệ ngôi nhà khỏi năng lượng tiêu cực, thu hút năng lượng tích cực. Nghi lễ tân gia này được gọi là Griha Pravesh Puja, chủ nhà sẽ đun sôi một chảo sửa và đổ sữa chảy theo hướng Đông, mong cầu bình an và tài lộc cho ngôi nhà.

Theo thuật phong thủy Ấn Độ (Vaastu Shastra), phía Đông là phía mặt trời mọc, tượng trưng cho sự khởi đầu mới và điềm lành, vì thế mà cần đổ sữa theo hướng này.

Tuy nhiên, nếu người ta không may làm đổ sữa trước, trong hoặc sau khi vừa mới cưới, thì điều không may sẽ xảy đến với cặp vợ chồng son.

3. Trung Quốc

Người Trung Quốc tin rằng con số 6 và 8 là hai số may mắn.
Người Trung Quốc tin rằng con số 6 và 8 là hai số may mắn.

Người Trung Quốc có phong tục sử dụng từ đồng âm và từ đa nghĩa để chơi chữ. Nhiều từ hoặc con số may mắn cũng đều bắt nguồn từ tục chơi chữ. Ví dụ, từ cá trong tiếng Trung Quốc được phát âm là "Yu", đồng âm với từ "sung túc". Vì vậy trong lễ Tất niên, cả gia đình cùng ăn một con cá được cho là sẽ mang lại thịnh vượng trong năm mới.

Một ví dụ khác, cách phát âm của số sáu đồng âm với từ "dòng chảy", vì vậy số sáu được coi là số may mắn, đại diện cho ý nghĩa: việc gì cũng trôi chảy, thuận lợi. Số tám trong tiếng Quảng Đông, Trung Quốc có vần với âm "fa", nghĩa là thịnh vượng và giàu có. Tại đám cưới, các khách mời thường mừng cưới với số tiền chẵn, có thể bao gồm số 6 hoặc số 8, ẩn ý cầu chúc thuận lợi về đường tài chính, hôn nhân.

4. Nhật Bản

Người ta sẽ vẽ vào một bên mắt để cầu xin điều ước.
Người ta sẽ vẽ vào một bên mắt để cầu xin điều ước.

Trong văn hóa Nhật, búp bê Daruma là một trong những biểu tượng đại diện cho sự may mắn. Búp bê Daruma được thiết kế với hình tròn, bên trong rỗng và đặc biệt không có tròng mắt.

Vào đầu năm, người Nhật thường mua búp bê Daruma từ các ngôi đền và vẽ lên mắt trái của búp bê - thể hiện quyết tâm đạt được mục tiêu đề ra cho năm mới. Khi mục tiêu hoàn thành, họ vẽ vào bên mắt còn lại và trả lại cho ngôi đền họ đã mua vào năm tiếp theo. Tất cả búp bê sau đó sẽ được đốt cháy theo nghi thức. Một đặc điểm khác của búp bê Daruma là không bao giờ ngã, đại diện cho tính quật cường, không đầu hàng trước khó khăn của người Nhật.

Bên cạnh búp bê Daruma, bức tượng mèo vẫy tay Maneki Neko cũng là một biểu tượng may mắn khác, đặc biệt là với người làm kinh doanh. Thường các chủ doanh nghiệp nhỏ sẽ đặt mèo Maneki Neko tại cửa hàng với mong muốn có nhiều khách hàng, thu hút tài lộc.

5. Thái Lan

Mỗi ngày trong tuần tương ứng với một màu cụ thể, mặc đúng màu sẽ gặp may.
Mỗi ngày trong tuần tương ứng với một màu cụ thể, mặc đúng màu sẽ gặp may.

Theo truyền thống cổ của Thái Lan, mỗi ngày trong tuần tương ứng với một màu cụ thể, mặc đồ đúng với màu này thì sẽ gặp may. Cụ thể:

  • Thứ Hai: Vàng
  • Thứ Ba: Hồng
  • Thứ Tư: Xanh lục
  • Thứ Năm: Cam
  • Thứ Sáu: Xanh lam nhạt
  • Thứ Bảy: Tím
  • Chủ Nhật: Đỏ

Mặc dù niềm tin này không còn phổ biến trong xã hội hiện đại, nhưng nhiều người vẫn thuộc lòng các màu sắc tương ứng với từng thứ, và nếu họ sinh ra vào thứ nào thì màu may mắn của họ là màu tương ứng với thứ đó. Ví dụ, nếu bạn sinh vào thứ Năm thì màu may mắn của bạn là màu cam.

Ngoài ra, nếu như giới kinh doanh Nhật Bản có chú mèo may mắn thì Thái Lan có nữ thần Nang Kwak. Cô được coi là vị thần bảo trợ cho cửa hàng, thương gia và đem lại nhiều may mắn. Họ sẽ đặt ở cửa hàng hoặc đeo dây chuyền gắn bùa hộ mệnh của nữ thần.

6. Lào

Người tham gia lễ cầu may sẽ quấn sợi dây bông trắng quanh cổ tay.
Người tham gia lễ cầu may sẽ quấn sợi dây bông trắng quanh cổ tay.

Người Lào và Thái Lan tin rằng con người là sự kết hợp của 32 cơ quan sinh học, mỗi cơ quan có một linh hồn hộ mệnh tương ứng, gọi là Khwan. Những linh hồn này thường đi lang thang bên ngoài cơ thể, gây ra sự mất cân bằng về tinh thần và dẫn đến bệnh tật.

Lễ Baci (Sou Khwan) là lễ gọi hồn có nguồn gốc từ nước Lào thời cổ đại. Trong buổi lễ, một bô lão sẽ tiến hành buộc những sợi dây bông trắng quanh cổ tay của người tham gia và tụng kinh để kêu gọi linh hồn hộ mệnh quay lại thể xác, từ đó gia tăng may mắn, bình an. Buộc các sợi dây màu trắng tượng trưng cho việc triệu hồi, hợp nhất và trói buộc 32 linh hồn vào cơ thể, giúp thiết lập lại cân bằng và mong cầu bình an cho thân chủ.

7. Hàn Quốc

Nằm mơ thấy lợn được coi là một điềm báo may mắn.
Nằm mơ thấy lợn được coi là một điềm báo may mắn.

Tại Hàn Quốc và nhiều nước châu Á khác, Tết Nguyên Đán là cơ hội hoàn hảo để mọi người thực hiện những dự định mới. Tuy nhiên, điều khác biệt là nhiều người Hàn sẽ không gội đầu trong ngày đầu năm vì không muốn rửa trôi tài lộc và vận may của bản thân, giống với nghi thức không quét nhà vào ngày mùng 1 của người Việt. Học sinh Hàn Quốc thì hạn chế gội đầu để tránh "rửa trôi" kiến thức đã học.

Ngoài ra, theo tiếng Hàn Quốc, cách phát âm của từ "lợn" giống với "ngọc bích", do đó lợn là sinh vật đại diện cho khả năng sinh sôi và sự giàu có. Nằm mơ thấy lợn được coi là một điềm báo may mắn.

8. Singapore

Quả dứa
Vào đầu dịp năm mới  người Hoa tại Singapore sẽ lăn quả dứa qua cửa nhà.

Theo phong tục của người Phúc Kiến, dứa được cho là một loại trái cây liên quan đến sự thịnh vượng. Do đó vào đầu dịp năm mới hoặc các lễ tân gia, người Hoa tại Singapore sẽ lăn quả dứa qua cửa nhà với mong muốn đem may mắn và thịnh vượng vào ngôi nhà.

Cập nhật: 21/01/2023 TTVH
  • 52
  • 175