Năm 1926, tác giả sách bán chạy nhất thế giới Agatha Christie đã biến mất trong 11 ngày, mở ra một trong những vụ mất tích bí ẩn nhất thế giới.
Một ngày kia, Agatha Christie đang ngồi lặng lẽ trên tàu hỏa thì bỗng thoáng nghe thấy có ai đó đang nhắc đến tên mình. Trong toa tàu, như bà kể lại, là "2 người phụ nữ đang thảo luận về tôi, cả hai đều có bản bìa mềm các cuốn sách của tôi đặt trên đầu gối".
Họ không hề biết đến danh tính của người đồng hành, và tiếp tục thảo luận về tác giả nổi tiếng nhất trên thế giới khi ấy. "Tôi nghe được là", một trong hai người phụ nữ nói, " bà ấy nốc ghê lắm ".
Câu chuyện trên gợi lên hứng thú đặc biệt ở sử gia Lucy Worsley vì nó gần như cô đọng cuộc đời của Agatha Christie. Hẳn là 2 người phụ nữ nọ phải có bản bìa mềm của bà rồi. Agatha đã viết hơn 80 cuốn sách, với số lượng bán ra chỉ thua Shakespeare và Kinh thánh, như người ta vẫn đồn. Và bà không chỉ là một tiểu thuyết gia, mà còn là nữ biên kịch có tác phẩm được diễn nhiều nhất thế giới.
Bà thành công đến mức mọi người nghĩ tới bà như một dạng thể chế chứ không còn là người tiên phong mở đường cho một địa hạt mới. Nhưng vấn đề ở đây, bà là tổng hòa của cả hai điều đó.
Sau cùng, trong toa xe lửa, sự hiện diện của đích thân Christie không được chú ý. Đúng là bà rất dễ bị bỏ qua, tương tự như mọi phụ nữ nào đã qua tuổi trung niên. Nhưng bà đã cố tình nhào nặn ra vẻ ngoài đó - trông thật bình dị - để tự che giấu thân phận thật.
Giả như có được 2 người cùng tàu kia hỏi, bà sẽ chỉ đáp là mình vô công rồi nghề. Mà nếu có giấy tờ hành chính yêu cầu điền nghề nghiệp, tiểu thuyết gia với 2 tỷ bản sách bán ra chỉ ghi vỏn vẹn "nội trợ". Bất chấp thành công to lớn của mình, bà không để đời định nghĩa mình và chọn là người ngoài cuộc, kẻ quan sát.
Nhưng câu chuyện thú vị nhất về bà phải là thứ đầu tiên người ta nghĩ đến - 11 ngày mất tích bí ẩn ở đỉnh cao sự nghiệp khiến cả quốc gia phải nhao đi tìm. Đó là bí ẩn lớn nhất về cuộc đời Agatha, chẳng khác gì những đứa con tinh thần bà viết ra.
Để nói về thành công ở giai đoạn này, khi ấy Agatha đã xuất bản kiệt tác "Vụ sát hại Roger Ackroyd" và đang được nhà xuất bản thúc giục ra thêm phần sau. Ảnh bà được lên tờ Daily Mail, được đặt chỗ trước 500 bản bởi một nhà xuất bản có tiếng cho bản quyền 2 cuốn khác. Số tiền ấy đủ mua một chiếc xe hơi Morris Cowkey.
Nhưng vào giữa mùa đông cuối năm 1926, cuộc hôn nhân của bà với Archie Christie gặp trục trặc. Bản thân bà sau này viết, lúc đó mình đang "bắt đầu bị suy nhược thần kinh". Cặp đôi đã chuyển đến một ngôi nhà rộng 12 phòng ngủ ở Sunningdale, Berkshire, mà họ đặt tên là Styles, nhưng Archie thường xuyên vắng mặt và Agatha ngày càng không hạnh phúc ở đó.
Cái chết của người mẹ thân yêu của bà, và phản ứng thiếu thông cảm của Archie (ông thậm chí còn không đi dự đám tang), đã khiến mối quan hệ của họ gần như tan vỡ. Đỉnh điểm là khi Archie thú nhận rằng ông đang yêu người khác - một phụ nữ trẻ tên là Nancy Neele - và muốn ly hôn.
Người ta đồn rằng sau đó Agatha cố tình dàn xếp vụ mất tích để khép chồng vào tội sát hại. Nhưng trái ngược với những gì mọi người nghĩ là Agatha không bao giờ phát ngôn gì về vụ việc ấy, thực ra bà đã có.
Agatha Christie.
Trên thực tế, khẳng định của bà về toàn bộ sự việc được xâu chuỗi qua hàng loạt phát ngôn và thậm chí còn mang âm hưởng từ chính những cuốn sách của bà ra đời thực. Trong đó phải kể đến cốt truyện "mất trí nhớ" được sử dụng rất nhiều lần.
"Tôi chỉ muốn đời mình chấm dứt. Cả đêm đó tôi đã lái xe không mục đích… Trong đầu tôi mơ hồ có ý tưởng kết thúc mọi thứ. Tôi tự động lái xe xuống những con đường mà mình biết… đến Maidenhead, nơi tôi nhìn ra dòng sông. Tôi đã nghĩ đến việc nhảy xuống, nhưng nhận ra rằng bản thân có thể bơi quá tốt nên không thể chết đuối… sau đó quay lại London một lần nữa, và rồi đến Sunningdale. Từ đó tôi tiếp tục tới Newlands Corner", Agatha Christie viết.
Dù mệt mỏi, đau khổ cùng cực, đến cuối cùng bà vẫn hiện thực hóa một kế hoạch đã âm ỉ trước đó trong đầu mình suốt 24 giờ đồng hồ.
Thời điểm đầu tiên tính từ khi mất tích là 9h30 tối ngày thứ sáu, 3/12/1926
Đêm đó, bà lên lầu trong căn nhà ở Berkshire, hôn tạm biệt con gái Rosalind 7 tuổi và xuống tầng, lên chiếc Morris Cowkey và lái vào màn đêm. Bà mất tích liên tiếp 11 ngày sau đó.
" Khi đến một điểm trên đường mà tôi nghĩ là gần khu mỏ đá tôi thấy lúc chiều, tôi cho xe rẽ khỏi con đường xuống đồi về phía đó. Tôi rời tay lái và cho xe chạy. Chiếc xe cán vào cái gì đó, giật lên và khựng lại đột ngột. Tôi bị hất về phía tay lái và va đầu vào thứ gì đó ".
Chiếc xe của Christie's được tìm thấy nằm trong một hàng rào, bánh trước của nó "ở trên mép của hố phân". Nếu không có hàng rào, "chiếc xe sẽ lao xuống và bị dập nát tan tành". Có vẻ như Christie đã rất sốc trước những gì đã diễn ra và nhận thấy đời vẫn đáng sống.
Và như vậy, bàng hoàng, đau khổ, nhưng vẫn còn sống, bà bước ra khỏi chiếc xe. Với những vết thương do va chạm ở đầu và ngực, bà đi bộ qua vùng nông thôn mùa đông trong trạng thái như mơ. Bà đã được tái sinh. " Cho đến trước thời điểm đó, tôi vẫn là 'bà Christie '", bà giải thích. Giờ đây, bà đã lột sạch quá khứ như một lớp da chết. Chỉ có cách đó bà mới có thể sống sót. Nhưng đồng thời, đây là hành động khiến gia đình, bạn bè và cảnh sát vô cùng bối rối.
Trong suốt một thời gian dài, những người điều tra vụ mất tích của Agatha luôn rẽ theo 2 hướng.
Một là, vào những ngày sau vụ tai nạn, bà đã trải qua tình trạng rối loạn phân ly - một tình trạng do stress và sang chấn gây ra khiến bà quên mất mình là ai.
Hai là, bà đã dàn dựng sự việc để cố đổ lỗi cho chồng việc giết mình. Chỉ có 1 điều chắc chắn:
Agatha trải qua một loạt các sụp đổ tâm lý bởi sang chấn từ cái chết của người mẹ và sự tan vỡ trong hôn nhân. Bà lạc lối trong đời và lạc mất khái niệm về bản thân suốt từ hôm thứ bảy đến vài ngày sau đó.
Khi được cảnh sát điều tra về chiếc xe của mình, Agatha báo cáo rằng sáng thứ bảy đó bà đã "mất trí nhớ". Với sự giúp đỡ của một nhà trị liệu tâm lý, bà sau đó sẽ bắt đầu tập hợp một bản tường thuật về những chi tiết đã bỏ qua. "Tôi nhớ mình đã đến một ga đường sắt lớn ", cuối cùng bà nhớ lại, "và rất ngạc nhiên khi biết đó là Waterloo".
"Thật kỳ lạ", bà nói, "các nhà chức trách đường sắt ở đó đã không nhớ ra tôi, vì tôi dính đầy bùn và đã bôi máu trên mặt bởi có một vết cắt trên tay".
Tâm trí của Christie bắt đầu tự bảo vệ mình khỏi nỗi đau thêm nữa bằng cách "phát minh" ra một danh tính mới. Bà nói: "Trong tâm trí, giờ tôi đã trở thành bà Teresa Neele của Nam Phi " - một cái tên giống với người tình của chồng bà và một địa điểm nơi 2 người từng nếm trải mật ngọt hạnh phúc.
Thứ tiểu thuyết gia muốn nhất lúc ấy là nhào nặn ra một nhân vật mà thông qua đó bà có thể làm bất cứ điều gì mình muốn, kể cả việc thoát khỏi cuộc sống không thể chịu đựng được nữa của danh tính Bà Christie.
"Teresa Neele" đã đến Nhà ga Ngã Tư Vua và mua một vé vào khu nghỉ mát spa ở Harrogate.
Bà tiếp tục bắt taxi như thói quen đến một khách sạn được chọn ngẫu nhiên, như thói quen ưa thích sự ẩn danh của loại hình cư trú này để có chỗ tập trung viết một mình.
Ảnh minh họa: Khu nghỉ dưỡng ở Harrogate.
Agatha không mang theo bất cứ hành lý nào nhưng giải thích rằng mình mới tới từ Nam Phi và đang gửi hành lý cho bạn. Bà tự định danh là Teresa Neele, ký giấy tờ bằng nét chữ thông thường của mình.
Ông W Taylor, quản lý khách sạn, sau đó thuật lại rằng bà ấy thuê một phòng xịn ở lầu 1, đầy đủ nước nóng và lạnh với giá 7 đồng guinea mà không hề do dự, như thể có bao nhiêu tiền tùy thích.
Phòng của Agatha được phục vụ bởi một hầu phòng trẻ tuổi tên là Rosie Asher, người có vẻ đã đặc biệt theo dõi bà. Asher phát hiện ra rằng "bà Neele" hầu như không mang theo bất cứ thứ gì bên mình.
Khát khao xây dựng một cuộc sống trông có vẻ trật tự, bà đi ăn tối và thậm chí còn tham gia khiêu vũ.
Christie dường như tận hưởng cuộc sống của mình trong trạng thái cheo leo giữa sự sống và cái chết.
Người hầu phòng của bà lưu ý rằng trong khi cảnh sát đang khám xét Surrey Downs để tìm bà, tiểu thuyết gia đã "ngủ đến 10 giờ sáng, ăn sáng trên giường và sau đó đi ra ngoài".
Tin tức về việc Agatha mất tích xuất hiện đầy trên mặt báo vào hôm thứ hai - 3 ngày sau khi bà mất tích.
Asher nhận thấy Agatha đã nhận được "tờ báo Luân Đôn được dọn lên với bữa sáng trên giường". Khi tin tức vệ vụ mất tích của bà tràn đầy trên mặt báo, người phụ nữ đã làm cách nào không rõ "hô biến" cho thông tin đó bay ra khỏi đầu.
Bà bắt đầu trang bị cho mình một tủ quần áo mới. Cuối ngày hôm đó, sau khi đi thăm các cửa hàng, các gói hàng bắt đầu được chuyển đến phòng bà: "mũ mới, áo khoác, giày dạ hội, sách và tạp chí, bút chì và trái cây, và nhiều đồ dùng vệ sinh khác nhau".
Mọi người nhận thấy rằng bà thường cầm theo một cuốn sách trên tay. Người thủ thư nơi bà ghé đến nhận định rằng người phụ nữ này rất thích sách thể loại giật gân và bí ẩn.
Tối hôm đó, Agatha đi ăn tối trong một chiếc váy dạ hội chỉn chu, với một chiếc "khăn quàng cổ" mới. Nhân viên khách sạn báo cáo rằng "bà ấy đã kết bạn với vài người". Bà chơi bi-a và thậm chí còn hát rất to.
Tại khách sạn, mọi người bắt đầu nghi ngờ "Bà Neele" thực sự là ai khi thấy bà rất tự tin với số tiền rủng rỉnh.
Một bức chân dung đã xuất hiện trên trang nhất của Daily Express. Sự tương đồng là không thể nhầm được. Trong 4 ngày lưu lại khách sạn, bà vợ của quản lý khách sạn cũng lờ mờ nhận ra danh tính thật của bà và đó cũng không phải người duy nhất
Ngày hôm sau, tờ Westminster Gazette đưa tin rằng không dưới 300 sĩ quan cảnh sát và đặc nhiệm đã tham gia một cuộc tìm kiếm ở Surrey. Họ khá chắc chắn rằng họ đang săn lùng một xác chết.
Nhưng Agatha thì đã quên và thấy cuộc sống trong vai bà Neele tốt hơn nhiều, bà tự nhận sau này.
Bà thậm chí còn đọc tin tức về chính mình và cho rằng "bà Christie" thật ngu ngốc khi hành động như thế. Đồng thời, người ta cũng nhận thấy những dấu hiệu suy sụp ở bà khi thỉnh thoảng bà đưa tay lên trán và nói, " Đầu tôi. Tôi không nhớ gì cả ".
Tin tức và hình ảnh của bà trên mặt báo.
Trong khi đó, Archie, căng thẳng, sợ hãi rằng sự không chung thủy của mình sẽ bị tiết lộ và đã phạm phải một sai lầm khủng khiếp. Ông đã trả lời phỏng vấn tờ Daily Mail một cách thiếu sáng suốt. Có lẽ hy vọng chuyển sự chú ý khỏi người tình, ông đưa ra ý tưởng rằng vợ mình đã cố tình biến mất và thậm chí khai man rằng đó là kế hoạch viết lách của bà mà 2 người từng thảo luận.
Tệ hơn, tờ Telegraph vào sáng thứ bảy có vẻ như còn đăng tin quảng cáo tác phẩm của bà dựa trên tin tức về vụ mất tích, phần nào khiến công chúng nghĩ rằng tiểu thuyết gia đang cố gắng tạo scandal lấy tiếng.
Cũng thứ ba 7/12, Daily Mail đã chạy một bài xã luận. " Nếu Christie còn sống ", tác giả của nó lập luận, " bà ấy hẳn đã sẵn lòng gây ra sự lo lắng dữ dội cho người thân của mình và gây chi phí nặng nề cho công chúng " trong " một trò đùa thực tế nhẫn tâm ".
Sau 3 ngày tìm kiếm tiểu thuyết gia, cảnh sát đã hủy cuộc tìm kiếm. Họ cho biết anh rể của Agatha đã nhận được một lá thư từ bà, nói rằng mình sẽ đến một spa ở Yorkshire "để nghỉ ngơi và điều trị". Vụ việc kết thúc ở đây chăng? Không hẳn.
Cảnh sát, dường như không bị thuyết phục bởi bức thư, đã quay lại mở rộng cuộc tìm kiếm, thậm chí đưa một trong những vật nuôi của Agatha đến hiện trường để xem liệu nó có thể truy vết mùi hương của chủ nhân của mình hay không. (Con chó chỉ "rên rỉ một cách đáng thương").
Các điều tra viên khi nỗ lực truy tìm tiểu thuyết gia mất tích.
Tờ The Times khi đó dẫn tin các thám tử bắt đầu đặt nghi vấn tự tử. Cuộc tìm kiếm dường như tập trung vào một cái ao được gọi là "Hồ bơi im lặng", mà theo truyền thuyết địa phương là không đáy.
Có một chi tiết đặc biệt trêu ngươi ở gần cuối câu chuyện: Christie, tờ báo khẳng định, đã bị chính ngôi nhà của bà ấy ám. " Nó nằm trong một con ngõ vắng vẻ, không có ánh sáng vào ban đêm, nơi có tiếng là bị ma ám. Con ngõ là hiện trường của một vụ giết phụ nữ và một người đàn ông tự sát… 'Nếu tôi không rời Sunningdale sớm, Sunningdale sẽ là dấu chấm hết cho tôi', bà từng nói với một người bạn ".
Một tuần sau khi Agatha mất tích, cảnh sát đã rất bối rối. " Không có nhân chứng đáng tin cậy nào nhìn thấy bà ấy kể từ đêm bà rời khỏi nhà ở Sunningdale một tuần trước ", The Times đưa tin.
Nhưng có một sự phát triển quan trọng. Christie đã để lại 3 bức thư: một cho thư ký của bà, một cho anh rể và một bức thư thứ ba cho chồng bà, người từ chối tiết lộ những gì bà đã viết.
Và thế là cuộc tìm kiếm tiếp tục...
Các thám tử kêu gọi sự giúp đỡ từ những tài xế và những mật thám nghiệp dư: "Không nói lý do tại sao, cảnh sát vẫn tin rằng bà ấy đang ở đâu đó... không xa nơi chiếc xe bị mất tích của bà ấy được tìm thấy".
Một chi tiết đáng nhớ là thư ký riêng của bà phản đối một cách phẫn nộ rằng tiểu thuyết gia đã dựng chuyện vì bà "quá đàng hoàng để làm thế". Người này cũng trưng ra bức thư của bà và khẳng định nội dung của nó chỉ là thời gian biểu.
Thời điểm này, cảnh sát đã bế tắc bắt đầu điều tra cả các bản thảo của bà nhằm tìm manh mối.
10.000 đến 15.000 người tham gia cuộc tìm kiếm tới lúc này, chưa kể cả "trung đoàn" chó nghiệp vụ đủ loại.
Cùng ngày hôm đó, cảnh sát suy đoán rằng Agatha có thể đang ở London, "cải trang và có lẽ trong trang phục nam". Và tin đồn bắt đầu lan ra rằng bà đã để lại một phong bì niêm phong mà chỉ được mở ra trong trường hợp thi thể của mình được phát hiện.
Tờ báo đưa tin rằng cảnh sát đã tìm thấy một số manh mối quan trọng gần đó, bao gồm: "một chai thuốc được dán nhãn độc chì và thuốc phiện, các mảnh của một tấm bưu thiếp rách nát, áo khoác lót lông của một người phụ nữ, một hộp phấn phủ, phần cuối của một ổ bánh mì, một hộp các tông và 2 cuốn sách dành cho trẻ em".
Có lẽ đáng ngại hơn, là giả thuyết mới của các thám tử: " Cảnh sát có thông tin mà họ từ chối tiết lộ và điều này dẫn họ đến quan điểm rằng bà Christie không có ý định quay lại khi bà ấy rời nhà ".
Cuối cùng, bà được tìm thấy vẫn đang ở spa tại Yorkshire. Mọi chi tiết và nghi ngờ về danh tính của bà tại đây bởi những người như vợ ông quản lý khách sạn cuối cùng cũng sáng tỏ.
Teresa NeeFle và Agatha Christie là một.
Theo thuật lại, khi chồng bà tới đón, người phụ nữ nhìn ông ta bằng khuôn mặt lạnh tanh như đá.
15 tháng sau sự việc, Agatha chính thức đệ đơn ly hôn chồng mình.
Thời điểm tìm ra vợ mình, chồng bà nói với các phóng viên, "Cô ấy không biết mình là ai... Cô ấy đã bị mất trí nhớ hoàn toàn".
Không may là danh tiếng của bà tiếp tục bị tấn công bởi nhiều người viết sử nam giới tự cho mình khả năng điều tra vượt qua cả cảnh sát hay báo chí. Họ lập luận rằng bà cố tình gây ra sự vụ này để đổ lội lên chồng mình, không còn nghi ngờ gì nữa.
Từ đó, ý tưởng đã lan rộng thành phim và tiểu thuyết. Nhẹ hơn thì khắc họa bà ấy thất vọng vì là một người phụ nữ bị ngược đãi, với mong muốn trả thù có thể hiểu được. Cực đoan hơn - đặc biệt là bộ phim truyện Agatha, được thực hiện vào năm 1979 - khắc họa bà là kẻ sát hại Nancy Neele - người tình của chồng.
Nhưng có lẽ đã đến lúc chúng ta nhìn nhận sự việc công tâm hơn - rằng đó là trở ngại tâm lý của một người phụ nữ vừa trải qua vài cú sốc tồi tệ nhất cuộc đời mình, và phải chăng lập luận "mất trí nhớ" thực ra là có thật.