Từ thời tiết, hệ sinh thái cho tới yếu tố con người, châu Úc luôn khiến cả thế giới vừa đau đầu, vừa buồn cười khi làm gì cũng ngược đời với cả thiên hạ.
Các bạn có nhớ cách đây tầm chục năm, trên TV hay có những chương trình "Chuyện ngược đời kiểu Úc", trong đó chiếu những thước phim hài hước về những dị tượng khác người cảy ra trên châu lục kỳ lạ này.
Do vị trí đặc biệt ở Nam Bán Cầu mà với nhiều quốc gia trên thế giới, thời tiết ở Úc luôn ở trạng thái đối lập. Đành là nơi này nóng, chỗ kia lạnh thì cũng chả có gì là ngạc nhiên, thế nhưng chuyện hài hước luôn nằm ở chỗ khi phía Bắc Bán Cầu đang siêu lạnh thì Úc sẽ... siêu nóng. Còn khi các nước ở Bắc Bán Cầu đang nóng chảy mỡ thì nước Úc sẽ siêu lạnh. Ví dụ đơn cử có thể kể tới ngày hôm nay, 19/6, khi tất cả Bắc Bán Cầu đang có thời tiết dao động trong biên độ nắng chan hòa tới nóng chảy mỡ (với thời tiết 33 độ C đo được ở Washington, 27 độ C đo được ở Tokyo, 31 độ C đo được ở Mumbai và tận 36 độ C ở Hà Nội) thì ngạc nhiên chưa, Australia đang trở thành một lãnh địa của tuyết rơi và giá rét. Vào ngày 19 tháng 6, Melbourne hiện đang là thành phố lạnh nhất thế giới với nhiệt độ -4 độ C, trong khi Sydney cũng đã ngập trong tuyết và mưa lạnh.
Trong khi nhiều thành phố trên thế giới đang tràn ngập nắng, thậm chí nóng phát hoảng vào ngày hôm nay...
Thì như thường lệ, Úc lại ngập trong tuyết cho nó khác người.
Mưa lạnh và tuyết phủ ngập thành phố Melbourne, hạ nền nhiệt xuống -3 cho tới -4 độ C, trong khi thành phố Sydney cũng đã ngập trong băng tuyết.
Lội ngược dòng về đầu năm nay. Châu Mỹ và châu Âu vào những tháng đầu năm 2018 ngập chìm trong băng giá, bom bão tuyết liên miên với những dòng sông đóng băng, giao thông đình trệ. Chắc hẳn chúng ta vẫn chưa quên khi bom bão tuyết tràn qua Mỹ, nhiều cá mập đã chết cóng và bị dạt vào bở trong trạng thái đóng băng; nhiều con cự đà cũng đã chết rét và ngã từ trên cây xuống.
Một con cá mập bị đóng băng ở bờ biển Cape Cod, Boston, Mỹ.
Và như thưởng lệ, vào tháng 1 đầu năm nay, Úc... nóng chảy mỡ. Theo tin từ News.com.au, nhiệt độ ở nhiều nơi tại Úc lên tới... 47 độ C vào ngày 7 tháng 1 đầu năm nay, khiến cho một số địa phương ở châu lục này đã phải ra lệnh đề phòng củi lửa, cấm nhóm củi ngoài trời để tránh hỏa hoạn.
Ở Mỹ đang lạnh lắm à, có cần Úc gửi cho ít nắng không... (Ảnh chụp trên bãi biển Bronte, Úc vào chính giữa đợt nắng nóng tháng 1/2018)
Do thời tiết độc địa mà hệ sinh thái ở Châu Úc cũng kinh dị chẳng kém, khi mà động vật nước này đôi khi trở thành mối đe dọa thường trực cho cuộc sống con người. Ở Châu Úc, chuyện Kangaroo tới tận nhà gõ cửa đòi tẩn nhau, cá sấu bò lồm ngồm trên sân golf hay nhện độc cùng rắn chui vào nhà làm tổ là chuyện đã quá quen thuộc, tới mức người đọc báo chỉ cần thấy mấy dị tượng về động vật là đã biết trước rằng tin đó được ghi nhận từ Úc. Chúng ta đã có:
Cá sấu dài 6m chồm lên tấn công du khách...
Sứa hộp siêu độc, chỉ một cú châm đã đủ tiễn một người lên bàn thờ...
Nhện độc Atrax robustus, ông vua nọc độc vùng New Southwale. Một nhát cắn của loài nhện này về cơ bản là sẽ gây tử vong trong khoảng thời gian rất ngắn.
Đừng quên là cá mập trắng - sát thủ đại dương - cũng luôn tuần hành ở bờ biển nước Úc...
Đã từng có thời hơn 60% những ca bị rắn cắn tại Úc đều có chung kết quả là tử vong. Rất may là công nghệ điều chế thuốc giải độc đã có những tiến triển nhất định, người Úc giờ đây vẫn gặp rắn hàng ngày nhưng đã ít bị chết vì rắn cắn hơn.
Và bởi vì cá mập trắng còn chưa đủ đáng sợ, nên vùng biển Australia được thiên nhiên ưu ái thêm cả giống cá mập bò mắt trắng này nữa. Giống cá mập này đã được tờ Ranker.com đánh giá là động vật đáng sợ nhất hành tinh..
Thời thế tạo anh hùng, và do thiên nhiên quá khắc nghiệt nên người Úc cũng cứng cỏi và dũng cảm (hay có thể coi là liều lĩnh hơn) so với các châu lục khác. Chắc hẳn chúng ta vẫn nhớ câu chuyện về thanh niên Úc tay không đấm nhau với Kangaroo đã lan truyền trên mạng vào năm ngoái. Nếu nghĩ rằng Kangaroo là loài thú có túi hiền hòa đáng yêu trong hoạt hình thì bạn có lẽ sẽ muốn cân nhắc lại đấy, vì ngoài đời trông chúng như thế này này...
Tắm suối cho nội công cao cường chút nhỉ?
Hình ảnh kể trên được ghi lại bởi anh Jackson Kingsley Vincent tại khu Boodjidup Creek, gần sông Margaret. Thanh niên chuột túi này dường như đang tận hưởng buổi "trầm mình luyện công" và có vẻ là không thích bị quấy rầy một chút nào. Cơ bắp của chuột túi hệ phái Thiếu Lâm nọ nhìn khá đáng sợ với múi to, xô vai cùng hai bắp tay lực lưỡng, sẵn sàng sử chiêu với bất kỳ cao thủ nào dám bất nhã quấy rầy giây phút ngâm mình điều tức nội lực.
Do loài chuột túi sinh đẻ quá vô tổ chức nên chính phủ Úc thậm chí đã ra lệnh khuyến khích người dân... đi săn loài động vật hung dữ này làm đồ ăn. Và quả thực đã có vài anh người Úc đã thử đi săn và ăn thịt Kangaroo, sau đó kết luận là thịt gì vừa dai, vừa chán...
Bít tết Kangaroo, chuyện chỉ xảy ra ở Úc...
Mới đây, tại một con đường ở Úc lại đột nhiên xuất hiện một người ăn mặc giống nhân vật Deadpool của hãng phim/truyện Marvel đang gây gổ đánh nhau với 1 người đàn ông cởi trần khác. Việc một nhân vật truyện tranh tự dưng xuất hiện đi gây gổ, đánh lộn có lẽ cũng là đặc sản của đất Úc chăng?
Từ bỏ X-force để đi đánh nhau dạo? Nghe có vẻ rất giống với tính cách "lầy lội" của Deadpool thật.
Được biết, danh tính của Deadpool "rởm" này là Jake Bingham, một người đàn ông sinh sống tại thành phố Cairns (Úc), chuyên môn hóa trang thành nhân vật truyện tranh Deadpool để gây chú ý và tìm kiếm sự nổi tiếng. Và thế là anh ta cũng đã nổi tiếng thật khi lên nhiều mặt báo khác nhau với vụ ẩu đả độc đáo này. Không chỉ tự xử lý các vấn đề với thiên nhiên, người Úc còn thường xuyên xuất hiện với những trò đùa nghịch ngớ ngẩn như thế này đây.
Người Úc nhìn chung nổi tiếng với tính tình vui vẻ và thoải mái. Do ảnh hưởng từ quá trình định cư trên mảnh đất khắc nghiệt này mà cư dân Úc cũng tự nhiên mà kiên cường và lạc quan hơn nhiều so với các quốc gia khác (nhìn mấy cô chú chụp cá sấu bên trên thì biết). Thành thử dù cho thời tiết có khó chiều, động vật có đáng sợ thì Châu Úc vẫn cứ là một lục địa ngược đời thú vị với những con người đáng khâm phục bậc nhất thế giới.