Những người may mắn được ngắm nhìn trái đất từ vũ trụ, họ nghĩ gì?

  •  
  • 2.771

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà con người có thể chiêm ngưỡng ngôi nhà chung của mình từ không gian. Suốt chiều dài lịch sử hàng vạn năm, đó là điều không tưởng.

Nữ phi hành gia người Ý giữ kỷ lục về thời gian dài thứ hai của một chuyến bay không bị gián đoạn. Bà đã trải qua 199 ngày trên Trạm Không gian Quốc tế vào năm 2015. (Phi hành gia Peggy Whitson của NASA phá vỡ kỷ lục này với 289 ngày trong không gian vào năm 2017).

Nữ phi hành gia người Ý Samantha Cristoforetti.
Nữ phi hành gia người Ý Samantha Cristoforetti.

Càng ở trên quỹ đạo lâu hơn, tôi càng nhận thức được về sự phát triển của nhân loại trên Trái Đất, Cristoforetti chia sẻ. Khi những mảng địa chất khổng lồ nhỏ bé vừa lọt tầm mắt, thì bên dưới đó những tòa nhà chọc trời không ngừng mọc lên bên cạnh những công trình cổ đại từ trăm ngàn năm trước. Đêm đến, những gì con người đã xây dựng đều phát sáng và chiếu lấp lánh khi nhìn từ trên cao.

“Cả hành tinh đang ở bên dưới bạn, rất nhiều thứ bạn có thể thấy được nếu không làm gì mà chỉ ngắm nhìn nó trong suốt một ngày. Từ trên cao, ta không nhìn thấy được con người, ta thấy được loài người vô cùng nhỏ bé so với cả hành tinh bao la. Chợt chớp mắt, tôi nhận thấy nếu nhân loại không đoàn kết để cùng phát triển, thì sẽ biến mất nhanh chóng như một cái chớp mắt".

Những người may mắn được ngắm nhìn trái đất từ vũ trụ, họ nghĩ gì?

Nhìn Trái đất từ vũ trụ
Khi ngắm nhìn trọn vẹn hành tinh thu gọn vừa vào tầm mắt, các phi hành gia đã thay đổi quan điểm của mình hoàn toàn. (Ảnh: NASA).

Bị ràng buộc bởi lực hấp dẫn và cấu tạo cơ thể, loài người không dễ gì có thể bay ra khỏi địa cầu này để ngắm nhìn nó. Đối với phần lớn nhân loại, rời khỏi Trái Đất là một điều không thể thực hiện. Suốt 6 thập niên kể từ khi kỷ nguyên không gian bắt đầu, chỉ vài người được nhìn thấy ánh sáng Mặt Trời lóe lên ngay sau đường cong khí quyển của Trái Đất. Từ năm 1961 đến nay, chỉ có 556 người được thấy điều này.

Ít hơn, với con số 24 người, đó là những người được theo dõi Trái Đất từ từ nhỏ lại từ xa rồi nhỏ dần đến mức vừa vặn đặt vào chiếc đồng hồ đeo tay. Họ đã bay đến Mặt Trăng, vệ tinh tự nhiên của Trái Đất. Ít hơn nữa, duy nhất 6 người đã bay đến bên kia của Mặt Trăng và để lại sau lưng địa cầu xanh rực rỡ.

Năm 2009, phi hành gia Mike Massimino của NASA đã tiếp cận với Kính Viễn vọng Không gian Hubble đang bay cao 568 km so với bề mặt, ông thực hiện nhiệm vụ sửa chữa con mắt tinh anh này của loài người lần cuối cùng. Con mắt siêu nhạy – kính Hubble – cứ liên tục nhìn vào không gian sâu thăm thẳm, trong khi Massimino thì nhìn về phía Trái Đất và nhanh chóng phải lòng với nó.

Những cánh rừng mưa nhiệt đới xanh tươi vùng Nam Mỹ, những thảm cát vàng trải dài tưởng chừng như vô tận ở Châu Phi, ánh đèn đô thị cứ lấp lánh bên dưới như những vì sao đêm, hành tinh này chẳng khác gì một thiên đường khi quan sát từ độ cao này.

Phi hành gia Mike Massimino.
Phi hành gia Mike Massimino.

“Lúc bấy giờ, tôi nghĩ rằng thiên đường sau khi chết chính là khi linh hồn của con người bay cao đến chừng này và được nhìn thấy hành tinh mà mình đã sống từ trên cao. Tôi đã vẫn sống trong một thiên đường nhưng không nhận ra. Khoảnh khắc quan sát thế giới này từ trên cao, tôi đã nhận ra cuộc sống thường nhật của tôi như những vị thiên sứ rong chơi trên thiên đường. Thật may mắn khi được sinh ra ở địa cầu này”.

Con người đã chẳng thể thay đổi cấu trúc cơ thể để chinh phục vũ trụ, mà phát triển lấy một ngành công nghệ diệu kỳ: thám hiểm không gian. Nhưng chớ vội trách cấu tạo sinh học của con người lại bị hạn chế như thế, chẳng phải chúng ta đã lấy nhược điểm làm bàn đạp cho sự phát triển công nghệ đấy sao?

Từ những con người đầu tiên sinh sống trên thế gian này, cho tới những phi hành gia với vận may được bay vào vũ trụ, chúng ta vẫn chưa phát triển được những ngôn từ dùng để miêu tả vẻ đẹp của hành tinh Trái Đất khi nhìn từ không gian. Đó cũng chính là lý do tại sao những nhà du hành vũ trụ cảm thấy khó khăn khi được yêu cầu diễn tả cảnh tượng mà mình thấy.

Kỹ sư và phi hành gia Luca Parmitano người Ý, cho rằng ngôn ngữ được phát triển để truyền đạt ý nghĩa của người nói. Mãi cho đến giữa thế kỷ 20, con người không có nhu cầu cần phải diễn đạt vẻ đẹp nguyên sơ của Trái Đất khi nằm trơ trọi giữa vũ trụ khắc nghiệt.

Nữ phi hành gia Karen Nyberg.
Nữ phi hành gia Karen Nyberg.

Tháng 9 năm 2013, trong chuyến bay thứ hai của mình lên Trạm Không gian Quốc tế, Nyberg đã tranh thủ thời gian và may một con khủng long nhồi bông cho đứa con trai 3 tuổi của mình trong không gian. Đó là món đồ chơi đầu tiên được tạo ra trong vũ trụ, được chế tạo từ những vật liệu có thể tìm thấy ở mọi khoang máy trên trạm.

Tỉ mỉ làm thủ công giúp cô có cảm giác gần gũi với gia đình mình đang sinh sống bên dưới. Thông qua chú khủng long bằng bông, nữ phi hành gia cũng muốn thể hiện quan điểm của mình về sự thay đổi tiêu cực của hệ sinh thái tự nhiên vào thời điểm trước và sau khi cô lên quỹ đạo Trái Đất.

“Trong tương lai, tôi có lẽ sẽ trở thành một người tham gia các phong trào ủng hộ bảo tồn động vật. Mỗi phần của Trái Đất này đều sống dựa và phản ứng với phần khác. Khi nhìn thấy hành tinh này từ trên cao, tôi đã nhận ra điều này và mong muốn giúp từng đàn động vật hoang dã có cơ hội được sinh sống. Nếu tôi có thể làm được điều đó chỉ trong một vòng quay quanh trục của Trái Đất, thì hành tinh này sẽ trở thành một nơi tốt hơn cho mọi vật được chung sống".

“Hòn bi ve xanh” phiên bản năm 2002.
“Hòn bi ve xanh”
phiên bản năm 2002. Hình ảnh được chụp bởi vệ tinh MODIS khi nó bay cao khoảng 700km so với mặt đất. Đây là một trong những hình ảnh được phổ biến rộng rãi nhất về hình ảnh Trái Đất từ trên cao. (Ảnh: NASA).

Bay vào không gian và ngắm nhìn Trái Đất thật sự đã thay đổi quan điểm của một người. Nhà du hành vũ trụ Nicole Stott người Mỹ đã có hai sứ mệnh trên tàu con thoi Discovery và trở về với khả năng sáng tạo nghệ thuật ở những góc nhìn không ai có được. Phi hành gia Chris Hadfield người Canada thì cảm nhận được rõ ràng tình yêu thương của anh với đồng loại khi được ngắm nhìn Trái Đất mỗi ngày.

Kathy Sullivan, người phụ nữ Hoa Kỳ đầu tiên thực hiện những bước đi trong không gian vào năm 1984, đã trở về đất mẹ với khao khát muốn làm những dự án kết nối cộng đồng. “Nhìn Trái Đất từ không gian không chỉ để bạn thỏa mãn trí tò mò, chụp đôi ba bức ảnh tài liệu. Qua chuyến đi đó, trong lòng tôi thật sự trỗi dậy những ao ước có thể biến xã hội quanh mình trở nên tốt đẹp hơn".

Phi hành gia Gennady Padalka
Phi hành gia Gennady Padalka.

Là phi hành gia người Nga giữ kỷ lục ở trong không gian lâu nhất, với 878 ngày được tích lũy từ năm 1998 cho đến năm 2015. Đối với ông, kinh nghiệm làm việc theo nhóm là những gì quý giá nhất mà ông học được khi phải sống trong một môi trường có thể chết bất cứ lúc nào bởi vô số thứ nguy hiểm có trong vũ trụ.

“Vậy, làm thế nào mà hành tinh của chúng ta có thể bơ vơ giữa không gian giá lạnh như vậy? Qua các chuyến bay, tôi tự ý thức được mình sẽ đối xử tốt hơn với mẹ thiên nhiên, bà ta đã gánh lên người hàng tỷ người con mà vẫn ngày đêm đối mặt với bao hiểm nguy bên ngoài đến từ vũ trụ".

Phi hành gia Ed Lu.
Phi hành gia Ed Lu.

Một cựu chiến binh từng tham gia ba chuyến bay không gian của NASA từ năm 1997 đến năm 2003, Lu đã có một góc nhìn tuyệt vời về các miệng hố va chạm trên Trái Đất, là những nơi từ diễn ra các cuộc oanh tạc dã man bởi thiên thạch bên ngoài vào hàng tỷ năm trước.

Năm 2002, ông đồng sáng lập Quỹ B612, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động vì mục tiêu vô cùng vĩ mô, chính ông cũng gọi tổ chức này “hoạt động trên một quy mô kỹ thuật lớn nhất mà khó có thể tưởng tượng ra được”. Mục đích duy nhất của quỹ, đó là ngăn chặn bất kỳ tác động nào của các tiểu hành tinh ảnh hưởng đến Trái Đất.

“Ấn tượng lớn nhất của tôi nhận được khi chiêm ngắm Trái Đất, chính là sự sống mãnh liệt luôn nhen nhóm và bùng lên mạnh mẽ trong nó. Thượng đế có lẽ đã nhiều lần tìm cách tiêu hủy hết sự sống ở đây, nhưng bằng cách này hay cách khác, tôi và các bạn vẫn có thể tồn tại được đến tận bây giờ để nhìn lại quá khứ lẫy lừng của Trái Đất”.

Sau khi nghỉ hưu, kết thúc công việc tại NASA, Sullivan giữ vị trí lãnh đạo ở Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) trong ba năm. Bấy giờ, bà sử dụng máy ảnh của các vệ tinh nhân tạo quay quanh Trái Đất mỗi ngày làm cặp mắt của mình để nhìn ngắm hành tinh thân yêu. “Địa cầu này khi nhìn từ trên cao rất quyến rũ, tôi cứ nhìn mãi mà không thấy chán. Có lẽ việc yêu đương một người đàn ông còn dễ từ bỏ hơn so với quan sát Trái Đất từ trên cao.”

“Trái Đất mọc” – hình ảnh mang tính huyền thoại
“Trái Đất mọc” – hình ảnh mang tính huyền thoại được chụp bởi phi hành đoàn sứ mệnh Apollo 8 vào Đêm Giáng Sinh năm 1968. (Ảnh: NASA).

Khi thế giới lâm vào những thời gian đen tối nhất, thì chỉ một hình ảnh Trái Đất từ trên cao cũng làm hàng triệu người cảm thấy vui lòng và thay đổi cái nhìn của họ về cuộc sống xung quanh. Năm 1968, phi hành đoàn Apollo 8 đã trở thành những người đầu tiên bay xa Trái Đất nhất và vòng qua mặt bên kia của Mặt Trăng.

Đêm Giáng Sinh năm đó, phi hành gia William Anders đã chụp lại một hình ảnh huyền thoại và trong tâm trí của hàng triệu người đến nay vẫn không phai nhòa được: một thế giới xanh tươi mọc lên từ đường chân trời của một nơi khô cằn chết chóc. Giờ đây, ta gọi đó là bức ảnh “Earthshine” (Trái Đất mọc), bức ảnh đã nâng cao nhận thức của rất nhiều người trong việc bảo tồn vẻ đẹp và sự mong manh của hành tinh này.

Năm 2018 là kỷ niệm 50 năm hình ảnh mang tính biểu tượng này được phát hành và trở thành hình ảnh được sử dụng nhiều nhất trong các phong trào bảo vệ môi trường thời đó. Để kỷ niệm một cách trọng thể, phi hành gia Leland Melvin người Mỹ đã bắt đầu một dự án về sức khỏe cộng đồng, ông lấy chế độ ăn uống, tập luyện và dinh dưỡng của một phi hành gia và khuyến cáo mọi người cùng thực hiện để có được lối sống lành mạnh hơn.

Phi hành gia Leland Melvin.
Phi hành gia Leland Melvin.

Từng tham gia đội Detroit Lions trong Giải Quốc gia Bóng bầu dục Mỹ năm 1986, một chấn thương nghiêm trọng đã đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp thể thao của ông. Nhưng khi cuộc đời đóng lại một cánh cửa, nó sẽ mở ra một cánh cửa khác cho chúng ta.

Melvin đã rẽ sang hướng đi khác trong cuộc đời mình: bay vào quỹ đạo. Trong hai chuyến bay của NASA với tư cách là một phi hành gia vào năm 2008 và 2009, ông đã tận mắt thấy được cảnh tượng đại dương của Trái Đất từ trên cao. Màu sắc của chúng vô cùng đa dạng, chúng trải đều trên mọi sắc thái xanh khác nhau. Khao khát khám phá thế giới xung quanh vẫn luôn thôi thúc ông để mở một tổ chức giáo dục cho trẻ em, ông mong muốn lan truyền tinh thần học hỏi cho thế hệ trẻ.

Rõ ràng, muốn được bảo vệ hành tinh này là niềm ao ước chung của những người đã bay rời khỏi nó. Phi hành gia Gennady Padalka người Nga đã có số giờ trong không gian nhiều hơn bất cứ ai khác (nếu tính theo số giờ tích lũy qua nhiều chuyến bay đơn lẻ). Trong suốt 28 năm làm nghề, ông bay vào không gian không biết là bao nhiêu lần, nhưng có một lực gì đó mạnh hơn cả lực hấp dẫn, cứ níu kéo ông trở lại đất mẹ.

“Đó là lực kết nối, sự nối kết giữa mỗi con người với mẹ thiên nhiên. Trái Đất là hành tinh duy nhất có sự sống trong kiến thức của chúng ta. Thập niên qua chúng ta đã tìm được vô số các hành tinh nằm lang thang trong Ngân Hà, nhưng không một hành tinh nào trong số chúng có tồn tại những con người ngao du như chúng ta. Vì những lẽ này, làm sao tôi có thể rời bỏ được hòn đất thân yêu này chứ?”

Dù đã bay cao đến chừng nào, đã nhìn thấy Trái Đất nhỏ to ra sao, các phi hành gia vẫn luôn khao khát được phục vụ và phát triển thế giới này trên mặt đất. Vì, không nơi nào bằng chính nhà mình.

Cập nhật: 03/08/2018 Theo khampha
  • 2.771