Những tác dụng bất ngờ của vỏ chuối với môi trường

  •   52
  • 2.232

Các nhà khoa học Brazil đã phát hiện một trợ thủ đắc lực trong cuộc chiến chống nước nhiễm bẩn, đó là vỏ chuối với tác dụng lọc tạp chất kim loại trong nước.

Các nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm thả vỏ chuối xay và sấy khô vào các bình chứa nước có thành phần ion đồng và chì dương tính, sau đó quấy đều. Vài phút sau, kiểm tra lại, độ kim loại trong nước thấp hơn so với giai đoạn đầu cuộc thí nghiệm. Như vậy, có thể kết luận rằng vỏ chuối đã hấp thụ kim loại.

Ông Gustavo Castro, nhà nghiên cứu hóa học tại Viện Nghiên cứu Khoa học Sinh học Brazil cho biết, vỏ chuối có khả năng tách độc tố cao hơn các nguyên liệu tương tự được tạo ra từ các phản ứng hóa học như silic, ôxít nhôm, và xenlulô.

Trong quá trình tìm kiếm phương pháp loại bỏ kim loại trong nước ăn không ảnh hưởng tới môi trường, nhiều nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm đối với dứa, sợi dừa, vỏ táo và nhiều nguyên liệu khác. Ông Castro và cộng sự là những người đầu tiên thử nghiệm với vỏ chuối, loại chứa các protein có thể kết dính với kim loại.

Các kim loại nặng như đồng và chì là những chất ô nhiễm phổ biến trong nước thải nông nghiệp và công nghiệp. Thậm chí, với nồng độ rất thấp trong nước ăn, những kim loại này cũng có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người. Điều đáng lo ngại là các kim loại này rất khó phát hiện nếu ở nồng độ thấp.

Nghiên cứu trên cho thấy, sử dụng vỏ chuối vẫn có hiệu quả kể cả khi nước có độ pH cao, nghĩa là kỹ thuật này cũng có thể ứng dụng trong xử lý nước thải công nghiệp. Đặc biệt, sau khi đã dùng 10 lần để thử nghiệm, vỏ chuối vẫn có khả năng hấp thụ kim loại .

Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường của Mỹ, lượng chì tối đa cho phép trong nước uống là 15 phần tỷ, mức độ có thể lọt lưới với nhiều loại thiết bị lọc. Tuy nhiên, trong nghiên cứu trên, vỏ chuối làm tăng mức độ lắng của đồng và chì thêm 20%, khiến những kim loại này dễ bị phát hiện hơn, dù bằng những dụng cụ đơn giản.

Phát hiện từ nghiên cứu này của các nhà khoa học Brazil mang lại hy vọng mới cho các nước phát triển, nơi chất lượng nước sinh hoạt còn thấp và công nghệ lọc nước tiên tiến nhất chưa được ứng dụng.

Theo TTXVN
  • 52
  • 2.232