Thời gian gần đây các bệnh viện tiếp nhận nhiều lượt bệnh nhi nhập viện vì bệnh lý thận, trong đó có các bệnh nhi đã chuyển sang giai đoạn cuối. Điều đáng tiếc là có rất nhiều trẻ bị những bệnh lý thận có thể phòng ngừa và phát hiện sớm nhưng đã bị bỏ qua.
Tuổi học đường dễ mắc
Cuối tháng ba, tại khoa thận Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP.HCM), chúng tôi chứng kiến những giây phút cuối cùng của bệnh nhi V.T.T. (13 tuổi, Lâm Đồng). Hai mắt V.T.T. lờ đờ, bàn tay, bàn chân trắng bệch, nhiều nơi trên thân thể bầm tím vì bệnh suy thận mãn giai đoạn cuối. Em không thể nằm mà chỉ ngồi hổn hển, thở hắt từng hơi.Bệnh nhi V.T.T. bị suy thận giai đoạn cuối được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 trước khi tử vong (Ảnh: L.TH.H)
Cha của em cho biết em bị bệnh cách đây ba năm, anh đưa con chạy chữa khắp nơi nhưng vẫn không thể cứu được. Tại khoa thận, chúng tôi còn gặp rất nhiều bệnh nhi có khuôn mặt phù to, nhiều bé trai có cơ quan sinh dục bị ứ nước căng bóng...
Bác sĩ Huỳnh Thoại Loan - trưởng khoa thận - cho biết ngày 28-3 tại khoa có 40 bệnh nhi bị bệnh thận nặng, hiện BV cũng đang quản lý điều trị 2.200 bệnh nhi bị bệnh thận. Trong năm 2005, khoa thận tiếp nhận 276 lượt bệnh nhi bị viêm thận, 510 lượt bị hội chứng thận hư, 275 lượt bị bệnh lupus ban đỏ và 98 lượt bị nhiễm trùng đường tiểu... Trong đó có 50 trẻ đã chuyển sang giai đoạn cuối, tức suy thận mãn phải chạy thận nhân tạo suốt đời.
Theo BS Thoại Loan, đây là bệnh lý khá thường gặp ở trẻ em, nhất là lứa tuổi học đường từ lớp 1 đến lớp 9. Việc điều trị tương đối đơn giản nếu trẻ được phát hiện bệnh sớm. Bệnh lý thận có hai loại: bẩm sinh và mắc phải. Bệnh thận bẩm sinh là do dị tật đường tiết niệu từ khi mới sinh ra, như trẻ không có thận, thận đơn, thận đôi hai bên hoặc thận ứ nước. 70% còn lại là do bệnh lý thận mắc phải.
Trong số trẻ mắc bệnh lý thận mắc phải, nhiều nhất là do viêm thận. Trẻ bị viêm thận có thể do hậu quả của nhiễm trùng; do cơ chế miễn dịch như hội chứng thận hư; do bệnh lý lupus ban đỏ - một dạng tổn thương bệnh lý toàn thân không rõ nguyên nhân do cơ thể tự sản xuất kháng thể chống lại chính các cơ quan của mình; do nhiễm trùng đường tiểu.
Những yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng tiểu là do trẻ thường xuyên nín tiểu, uống ít nước, không vệ sinh sau khi đi tiểu - nhất là với trẻ gái. Nếu để nhiễm trùng tiểu tái phát thường xuyên sẽ gây nhiễm trùng đường tiểu (viêm thận nhiễm trùng), dẫn đến tạo sẹo trên thận. Nếu không được điều trị kịp thời, về lâu dài có thể dẫn đến suy thận mãn có khi đến 20-30 năm sau mới bộc phát bệnh.
Trẻ càng nhỏ, tổn thương thận càng nặng nề
Bác sĩ Thoại Loan cho biết trung bình cứ khoảng ba giờ đồng hồ trẻ đi tiểu một lần (một ngày đi khoảng 5-6 lần, không tính thời gian ngủ). Thế nhưng trên thực tế nhiều trẻ thường xuyên nín tiểu, hoặc không dám uống nước vì phải đi tiểu, song cha mẹ không biết. Nhiều trẻ bị nhiễm trùng đường tiểu khi được bác sĩ hỏi: “Con có hay đi tiểu không? Một ngày con đi tiểu mấy lần?” đã trả lời:
“Nhà vệ sinh trường con dơ lắm, con không dám đi”, hoặc “Ở trường con, con trai con gái đi chung một nhà vệ sinh kỳ lắm, con phải ráng nhịn về nhà mới đi”.
Nhà vệ sinh ở nhiều trường học bị dơ, quá tải không đủ chỗ cho học sinh... là một trong những yếu tố tác động làm trẻ phải nhịn tiểu. Có học sinh còn cho biết trong giờ học các em mắc tiểu xin ra ngoài nhưng thầy cô không cho, bảo đợi đến giờ ra chơi.
Theo bác sĩ Thoại Loan, trong 12 năm đầu đời của tất cả trẻ em gái có khoảng 8% bị nhiễm trùng đường tiểu một lần. Trẻ càng nhỏ (1-5 tuổi) nếu thường xuyên bị nhiễm trùng tiểu mà không được điều trị đúng càng dễ bị tổn thương thận và khi bị tổn thương sẽ để lại di chứng nặng nề hơn.
Phòng ngừa không khó
Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng của bệnh lý thận tương đối mơ hồ và dễ bị bỏ sót nếu bà mẹ không chú ý đến trẻ. Để phát hiện sớm, cần thường xuyên theo dõi việc đi tiểu của trẻ. Trẻ ở độ tuổi 3-15, đi tiểu trung bình 0,5-1lít nước tiểu/ngày, màu sắc vàng trong.
Khi thấy trẻ có lượng nước tiểu thay đổi, ít đi đột ngột, thay đổi màu sắc (đục, vàng đậm, đỏ), trẻ đi tiểu ngắt quãng, tia nước tiểu yếu, hoặc trẻ bị tiểu són trong quần kéo dài... cần đưa trẻ đến BV làm xét nghiệm nước tiểu. Phụ huynh cũng cần chú ý tình trạng tăng cân đột ngột của trẻ (một tháng tăng 2kg), kèm theo hiện tượng phù người, phù mi mắt vào sáng sớm lúc ngủ dậy để đưa trẻ đến BV sớm.
Để phòng bệnh lý thận mắc phải, BS Thoại Loan khuyên cần giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ, vệ sinh mũi họng, vệ sinh da. Tập cho trẻ có thói quen đánh răng hằng ngày. Để phòng ngừa nhiễm trùng đường tiểu, cần cho trẻ uống nước nhiều, giữ cho dòng nước tiểu thông suốt (đi tiểu khi thấy mắc tiểu), vệ sinh thân thể.
Ban giám hiệu các trường học cần quan tâm đến nhà vệ sinh của trường, đặc biệt là các em học sinh cấp I, không để cho trẻ phải nín tiểu vì nhà vệ sinh dơ, vì thiếu nhà vệ sinh... Về lâu dài, nên coi xét nghiệm nước tiểu và siêu âm là qui định bắt buộc phải có trong hồ sơ nhập học của trẻ. Trước mắt, nếu có điều kiện, phụ huynh nên cho con em xét nghiệm nước tiểu và siêu âm ít nhất một lần/năm.
LÊ THANH HÀ
Đặt trọng tâm kiểm tra nhà vệ sinh Một cán bộ Ban chỉ đạo y tế học đường liên sở Y tế và Giáo dục - đào tạo TP.HCM cho biết: - Theo qui định của Bộ Y tế (từ năm 2000), trường không bán trú phải đạt 200 học sinh/cầu tiêu, 50 học sinh/1m chiều dài hố tiểu. Còn trường có bán trú 50 học sinh/cầu tiêu và 50 học sinh/1m chiều dài hố tiểu. Với tiêu chí này gần như các trường học của TP.HCM đều đạt. Nhưng tiêu chí này quá thấp so với thực tế nhu cầu của học sinh, nhất là vào những giờ ra chơi, học sinh ùa ra một lúc thì không thể đủ. * Nhà vệ sinh ở nhiều trường học có tình trạng “mất vệ sinh”, có mùi hôi, thậm chí xuống cấp… khiến học sinh không dám sử dụng. Theo ông, nguyên nhân do đâu? - Hai vấn đề đầu tiên là nguồn nước và nhân viên phục vụ. Nhiều nơi nước không đủ sử dụng, nhà trường phải sử dụng nước phèn hoặc đào giếng lấy nước dùng giội rửa nhà vệ sinh. Như ở Nhà Bè, trường sử dụng nước phèn lâu ngày nên lavabo, gạch men, bàn cầu đều đóng phèn đỏ quạch không thể nào rửa sạch được. Nhìn vào thấy rất mất vệ sinh. Với những trường ở vùng sâu, vùng xa, những trường khó khăn không có kinh phí hợp đồng nhiều nhân viên phục vụ, nhà trường khó giữ gìn nhà vệ sinh sạch đẹp. Ngoài ra còn phải kể đến ý thức giữ vệ sinh của học sinh. * Có tình trạng giáo viên, nhất là ở cấp tiểu học, hạn chế việc đi vệ sinh của học sinh vì sợ mất trật tự lớp học? - Nếu học sinh có lý do chính đáng để xin ra ngoài thì không giáo viên nào không cho cả. * Ngành giáo dục - đào tạo TP.HCM đã có những động thái gì trong việc kiểm tra nhà vệ sinh của các trường? - Ban giám đốc sở đã đặt trọng tâm kiểm tra nhà vệ sinh, giám sát một loạt các trường và chỉ đạo nâng cấp, sửa chữa nhà vệ sinh ở một số nơi. Sở Giáo dục - đào tạo cũng đã đưa ra tiêu chí định hướng: nhà vệ sinh phải là nơi sạch và đẹp của trường. Trong đó có những qui định như nhà vệ sinh không có mùi hôi, được lau chùi sạch sẽ, không đọng nước trên sàn, đủ nước giội, sạch đẹp, 100% thiết bị sử dụng tốt… KIM LIÊN thực hiện |