Phóng xạ chắc chắn gây ung thư tuyến giáp, có thể gây bệnh bạch cầu. Quá nhiều phóng xạ làm tăng nguy cơ ung thư trong những năm sau khi phơi nhiễm. Nhưng lượng phóng xạ bao nhiêu là thời gian phơi nhiễm bao lâu là nguy hiểm vẫn là điều các nhà khoa học chưa thống nhất.
“Dữ liệu khoa học không đầy đủ. Tôi cảm thấy tỷ lệ những loại ung thư khác cũng tăng, nhưng không đủ bằng chứng để chứng minh điều đó”, TS. Fred Mettler, nhà khoa học ở ĐH New Mexico và là trưởng nhóm nghiên cứu của Liên Hợp Quốc về hậu quả sức khỏe ở Chernobyl, nói.
Kiểm tra phóng xạ cho người dân.
Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ nói rằng, không có mức phóng xạ nào trên mức 3-6 millisievert mỗi năm mà chúng ta tiếp xúc trong môi trường bình thường là tuyệt đối an toàn. Ngược lại, Ủy ban quản lý hạt nhân Mỹ lại nói rằng, liều lượng dưới 100 millisievert trong nhiều năm không gây ra nguy cơ gì.
Các nhà nghiên cứu chưa có bằng chứng thực tế để nói lên mức độ nguy hiểm của phóng xạ liều thấp, Kelly Classic, nhà vật lý học phóng xạ ở Bệnh viện Mayo và là phát ngôn viên của Hội vật lý y khoa Mỹ, nói.
Liều lượng phóng xạ cao trên 500 millisievert làm tăng nguy cơ mắc bệnh máu trắng, ung thư vú, bàng quang, gan, phổi, thực quản, buồng trứng, dạ dày và tủy.
Nhưng nguy cơ lượng phóng xạ nằm giữa giới hạn cao và thấp gây ra vấn đề gì vẫn chưa được làm sáng tỏ. Điều này còn phụ thuộc vào loại chất phóng xạ con người phơi nhiễm, độ tuổi, khả năng phục hồi của cơ thế.
Trẻ em là đối tượng dễ bị ung thư tuyến giáp nhất. Iot phóng xạ được tìm thấy trong tuyến giáp ở cổ. Iot kali có thể ngăn chặn quá trình cơ thể nhiễm phóng xạ tốt nhất nếu được uống trong vòng 12 giờ sau khi phơi nhiễm.
Phóng xạ là hiện tượng một số hạt nhân nguyên tử không bền tự biến đổi và phát ra các bức xạ hạt nhân (thường được gọi là các tia phóng xạ). Các nguyên tử có tính phóng xạ gọi là các đồng vị phóng xạ, còn các nguyên tử không phóng xạ gọi là các đồng vị bền. Các nguyên tố hóa học chỉ gồm các đồng vị phóng xạ (không có đồng vị bền) gọi là nguyên tố phóng xạ. Tia phóng xạ có thể là chùm các hạt mang điện dương như hạt anpha, hạt proton; mang điện âm như chùm electron (phóng xạ beta); không mang điện như hạt nơtron, tia gamma (có bản chất giống như ánh sáng nhưng năng lượng lớn hơn nhiều). Sự tự biến đổi như vậy của hạt nhân nguyên tử, thường được gọi là sự phân rã phóng xạ hay phân rã hạt nhân. Tự phân hạch là quá trình hạt nhân của các nguyên tử phóng xạ có số khối lớn. Ví dụ uranium tự vỡ ra thành các mảnh hạt nhân kèm theo sự thoát ra nơtron và một số hạt cơ bản khác, cũng là một dạng của sự phân rã hạt nhân. Trong tự phân hạch và phân rã hạt nhân đều có sự hụt khối lượng, tức là tổng khối lượng của các hạt tạo thành nhỏ hơn khối lượng hạt nhân ban đầu. Khối lượng bị hao hụt này chuyển hóa thành năng lượng khổng lồ được tính theo công thức nổi tiếng của Albert Einstein E=mc² trong đó E là năng lượng thoát ra khi phân rã hạt nhân, m là độ hụt khối và c=298 000 000 m/s là vận tốc ánh sáng trong chân không. (Theo Wikipedia) |