Nối lại liên lạc với vệ tinh già nua

  •  
  • 725

Các nhà khoa học Anh đang xúc tiến một dự án đầy tham vọng nhằm khôi phục vệ tinh duy nhất của nước này, vốn vẫn ở trong quỹ đạo gần 40 năm nay.

Theo đài BBC, khi phi thuyền Prospero được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Black Arrow vào ngày 28/10/1971, nó đã đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên thám hiểm không gian ngắn ngủi của người Anh.

Prospero là vệ tinh đầu tiên của Anh được phóng bằng thiết bị do chính nước này chế tạo. Nó cũng là vệ tinh cuối cùng của xứ sở sương mù.

Chính phủ Anh đã quyết định hủy dự án phóng tên lửa đẩy Black Arrow cùng phi thuyền Prospero trước thời điểm dự phóng, nhưng nhóm chuyên gia phụ trách đã “bất tuân thượng lệnh” và vẫn phóng Prospero vào quỹ đạo từ một căn cứ trên sa mạc nước Úc. Khó ai ngờ là nó vẫn ở đó cho đến nay. Với mục đích thực hiện một loạt thử nghiệm nhằm điều tra các tác động của môi trường không gian, vệ tinh được vận hành thành công đến năm 1973 và vẫn duy trì liên lạc với trái đất cho đến năm 1996.

Nay một nhóm chuyên gia của Phòng Thí nghiệm khoa học không gian Mullard thuộc Đại học London hy vọng khôi phục liên lạc với Prospero vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày phóng vệ tinh duy nhất của Anh. “Đầu tiên, chúng tôi phải thiết kế lại phần mặt đất từ những thông tin đã bị thất lạc, sau đó kiểm tra hệ thống liên lạc để xem nó “còn sống” hay không”, chuyên gia Roger Duthie, trưởng nhóm nghiên cứu, nói với BBC.

Phi thuyền Prospero
Phi thuyền Prospero

Nhưng không có công việc nào là dễ dàng. Vệ tinh được bộ phận không gian của Tổ chức Royal Aircraft Establishment chế tạo ở Farnborough, nhưng bộ phận này đã bị giải tán từ lâu và các mật mã liên lạc với Prospero đã bị thất lạc. “Các báo cáo kỹ thuật được công bố vào thập niên 70 thế kỷ trước đã bị thất lạc. Chúng tôi đã hỏi chuyện những người tham gia dự án Prospero, lục lọi những chiếc thùng đầy bụi bặm cất trên tầng thượng tại nơi họ làm việc khi xưa, và vào cả thư viện ở Farnborough”.

Cuối cùng, nhóm của ông Duthie tìm được những mật mã được đánh máy trên một tờ giấy tại Kho Lưu trữ quốc gia ở Kew, London. Nhưng ngay cả khi có các mật mã, các chuyên gia vẫn phải chế tạo thiết bị để “nói chuyện” với Prospero, rồi còn phải xin phép Cơ quan Quản lý thông tin liên lạc của Anh (Ofcom) để sử dụng các tần số của Prospero. Một khi phần mặt đất được hoàn thành, ông Duthie và các cộng sự còn phải thử nghiệm công nghệ để xem nó có còn liên lạc được với Prospero hay không trước khi thực hiện một cuộc trình diễn công khai. Nếu vệ tinh còn hoạt động, một số cuộc thử nghiệm có thể vẫn đang vận hành.

“Đó là một sản phẩm tạo tác của kỹ thuật Anh. Chúng tôi đang tìm hiểu cách thức vận hành của nó”, ông Duthie nói. Nếu thành công, nhóm của ông có thể tự gọi mình là những nhà khảo cổ không gian đầu tiên trên thế giới.

Theo Thanh Niên
  • 725