Nước ngầm ở khu vực gần nhà máy hạt nhân Fukushima đã bị nhiễm xạ gấp 10.000 lần ngưỡng an toàn, trong khi phóng xạ iot-131 trong nước biển lại tăng lên ngưỡng kỷ lục mới.
Nước ngầm ô nhiễm được phát hiện ở khu vực quanh tòa nhà chứa lò phản ứng số 1. Thông thường, lượng phóng xạ trong nước ngầm rất thấp nên không thể đo được.
Một em bé Nhật đang lấy nước máy.
Chính quyền Nhật đang bị thúc giục đưa ra biện pháp đối phó với ô nhiễm phóng xạ ngoài khu vực di tản bán kính 20km khi Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nói rằng mẫu đất thu được ở làng Iitate, cách nhà máy 40km, vượt tiêu chuẩn phải di tản. Nhưng chính quyền Nhật Bản cho rằng tiêu chí để di tản là chỉ số đo phóng xạ trong không khí chứ không phải trong đất.
Chính quyền Nhật Bản vẫn phủ nhận nước biển và đất nhiễm xạ không gây ảnh hưởng ngay lập tức tới sức khỏe, nhưng nói rằng họ có kế hoạch tăng cường quan trắc dữ liệu phóng xạ quanh nhà máy này.
Theo cơ quan an toàn hạt nhân Nhật Bản, iot-131 với hàm lượng gấp 4.385 lần ngưỡng cho phép đã được phát hiện trong mẫu nước biển thu thập ngày 30/3, vượt qua mức kỷ lục 3.355 lần đo được vào hôm trước.
Hidehiko Nishiyama, phát ngôn viên Cơ quan an toàn công nghiệp và hạt nhân Nhật Bản, thừa nhận có khả năng phóng xạ đang tiếp tục rò rỉ ra biển. Ông Nishiyama vẫn nhắc lại tình trạng này không gây ra vấn đề sức khỏe trước mắt nào vì hoạt động đánh bắt cá không được thực hiện trong khu vực kéo dài 20km từ nhà máy và chất phóng xạ sẽ được nước biển pha loãng khi hải sản được tiêu thụ.
Công ty điện lực Tokyo nói rằng mức độ ô nhiễm phóng xạ cao trong nước biển rất có thể vì nước tiếp xúc với nhiên liệu hạt nhân hoặc các lò phản ứng, nhưng phóng xạ trôi ra biển như thế nào vẫn là điều chưa được làm rõ.
Lõi của các lò phản ứng số 1, 2 và 3 của nhà máy được cho là đã bị phá hỏng, khiến chất phóng xạ bị thoát ra, còn các thanh nhiên liệu ở lò phản ứng số 4 được giữ trong bể chứa nhiên liệu qua sử dụng cũng được cho là đã tan chảy một phần.