Nước ngọt tại châu Âu bị ô nhiễm hóa học tệ hơn so với ước đoán

  •  
  • 1.061

(khoahoc.tv) - Mục tiêu cải thiện đáng kể chất lượng nước ngọt vào năm 2015 là mục tiêu đã được tuyên bố của các nước thành viên EU, biểu thị bằng các yêu cầu của khung hướng dẫn các chỉ số giới hạn trong nước (Water Framework Directive – WFD).

Một nghiên cứu mới đây được thực hiện bởi viện nghiên cứ Khoa học môi trường Landau (Institute for Environmental Sciences Landau) cùng với Trung tâm Nghiên cứu môi trường Helmholtz (Helmholtz Centre for Environmental Research - UFZ) và các nhà khoa học thành viên đến từ Pháp (Trường đại học Lorraine và EDF) và Thụy Sĩ (Viện nghiên cứu liên bang về Khoa học và Công nghệ nước - Swiss Federal Institute of Aquatic Science and Technology – EAWAG) cho thấy, mục tiêu này dường như không thể đạt được do nồng độ cao của các độc tố trong nước.

Một trong số những nguyên nhân, đó là các đánh giá hiện tại về sự cải thiện chất lượng nước không tính đến các ảnh hưởng của các hóa chất độc hại. Nghiên cứu này lần đầu tiên đã phản ánh trên quy mô toàn Châu Âu cho thấy các rủi ro về sinh thái học gây ra bởi các hóa chất độc hại là lớn hơn nhiều so với giả định thông thường.

Cho đến nay các cơ quan chức năng về môi trường và các bộ phận thuộc cộng đồng khoa học đã cho rằng, các hóa chất độc là một vấn đề có tính địa phương, đang gây ảnh hưởng với chỉ một vài lưu vực nước. Tuy nhiên, nghiên cứu hiện nay cho thấy, trên một quy mô lớn rủi ro về sinh thái bắt nguồn từ các độc chất hóa học đối với hàng ngàn hệ sinh thái nước của Châu Âu. Độc tính hóa học đại diện cho một mối nguy hại về sinh thái học tới gần một nửa số lưu vực nước ở Châu Âu, và trong khoảng 15% các trường hợp, các sinh vật trong hệ sinh thái nước ngọt có thể bị đột tử.

Nước ngọt tại châu Âu bị ô nhiễm hóa học tệ hơn so với ước đoán
Một đoạn của sông Danube

Thực trạng của hệ sinh thái thủy sinh châu Âu có thể còn tệ hơn.

Cùng với nhau, các nhà nghiên cứu người Pháp, Thụy Sĩ và các nhà khoa học đến từ Landau và Leipzig đã xem xét các ngưỡng rủi ro trong lưu vực sông của mạng lưới các suối chính, chẳng hạn như sông Danube và sông Rhine. Lần đầu tiên, sự mở rộng tới các ngưỡng đe dọa đã được đánh giá đối với 3 nhóm sinh vật gồm cá, động vật không xương sống và tảo, những sinh vật sản xuất chính, đã được ước tính cho những lưu vực sông chính này. Dữ liệu được sử dụng có nguồn gốc từ các hoạt động quan trắc nước trong những năm gần đây. Phạm vi lấy mẫu thay đổi đáng kể về không gian và thời gian, do đó việc so sánh trực tiếp giữa các quốc gia là khá khó khăn.

Ví dụ, nghiên cứu phát hiện thấy chất lượng nước ở Pháp là xấu nhất, có thể là do thực tế quốc gia này đã lắp đặt một mạng lưới quan trắc dày đặc và đã phân tích các mẫu nước với vô số các chỉ tiêu, gồm có các hợp chất liên quan đến nhiễm độc hệ sinh thái.

Trong khi đó, tại những quốc gia khác, ngược lại, những nguy cơ vẫn không được phát hiện, không được nhận dạng do độ nhạy không đáp ứng của các phân tích hóa học hoặc danh sách các hợp chất cần quan trắc liên quan đến nhiễm độc sinh thái không được liệt kê đầy đủ. “Nói chung có nhiều khả năng là chúng tôi đã đánh giá thấp các rủi ro hơn là đánh giá cao trong các phân tích của chúng tôi”, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, giáo sư, tiến sĩ Ralf B.Schäfe đến từ viện nghiên cứu Khoa học môi trường Landau giải thích. “Tình trạng và môi trường thực tế của các hệ sinh thái nước ngọt của Châu Âu có thể còn tệ hơn nữa”.

Những yếu tố cơ bản góp phần gây ô nhiễm hóa học các hệ sinh thái nước đó là xả thải từ các hoạt động nông nghiệp, các vùng đô thị và các nhà máy xử lý nước thải đô thị. Thuốc trừ sâu là những độc chất quan trọng đối với hệ sinh thái nước ngọt, mặc dù, những hợp chất organotin, các chất chống cháy chứa brom và các hydrocarbon thơm đa vòng cháy không triệt để, cũng đã xuất hiện ở nồng độ tới hạn.

Các tiêu chuẩn và yêu cầu của EU liên quan đến các chỉ tiêu chất lượng nước hiện nay, chủ yếu tập trung vào sự có mặt của các chất xét đến đầu tiên, đó là khoảng 40 chất hóa học được xác định có tính nguy hại đặc biệt với môi trường nước. Thật may mắn rằng những chất nguy hại nói trên sẽ không còn được phép sử dụng nữa, và do đó, nồng độ cao của những chất này đang giảm dần tại nhiều khu vực thuộc các dòng sông của Châu Âu.

"Tuy nhiên, vấn đề thực tế ở đây đó là một lượng lớn các hóa chất hiện đang được sử dụng không được đưa vào danh sách các chỉ tiêu trong quan trắc nước thải”, tiến sĩ Werner Brack từ Trung tâm nghiên cứu môi trường Helmholtz ở Leipzig nói. Ngoài ra, những phát hiện gần đây cho thấy đối với một số chất nhất định mức độ được thừa nhận của nồng độ ảnh hưởng có thể là quá cao.

Phạm Thị Bích Thu (Sciencedaily)
  • 1.061