Kỹ thuật nuôi noãn trong ống nghiệm (IVF) tới khi trưởng thành đã nâng kết quả thụ tinh trong ống nghiệm từ 30-35% lên 50-60%.
Ít tốn kém, tỷ lệ thành công cao
Đó là công bố của Bệnh viện Phụ sản Trung ương sau khi thực hiện phương pháp mới này cho 12 cặp vợ chồng và có tám cặp đạt kết quả. Kỹ thuật này được áp dụng đối với các trường hợp người phụ nữ không phóng noãn. Tế bào noãn đạt yêu cầu (trứng đã trưởng thành) sau khi chọc hút sẽ cho gặp tinh trùng khỏe trong ống nghiệm rồi nuôi trong môi trường thích hợp. Sau 5-6 ngày, khi đã đạt tốc độ và hình thái phát triển bình thường, các bác sĩ sẽ tiến hành bơm vào buồng tử cung.
Chuyên gia đang lấy mẫu tinh trùng từ kho trữ đông. (Ảnh: ND) |
Kỹ thuật này đã được nghiên cứu và thử nghiệm tại các nước tiên tiến, lần đầu tiên được tiến hành ở Việt Nam. Các công đoạn nuôi đều được thực hiện trong tủ nuôi, nhiệt độ ổn định 37oC và trong môi trường phù hợp nhất, gần giống như trong buồng tử cung của người phụ nữ.
Trước đây, với các ca thụ tinh trong ống nghiệm, người ta chuyển phôi ở giai đoạn 4-8 tế bào, nghĩa là sau khi nuôi cấy phôi 2-3 ngày là chuyển vào tử cung. Kỹ thuật này tuy ít tốn kém hơn nhưng tỷ lệ thành công không cao, chỉ xấp xỉ 25-30%. Trong khi đó, kỹ thuật chuyển phôi blastocyst cho tỷ lệ thành công lên tới 50-60%.
Hơn nữa, việc nuôi cấy này sẽ giúp lựa chọn được phôi, khiến lượng phôi chuyển vào tử cung người mẹ ít hơn, vì vậy hạn chế được nguy cơ đa thai. Điều đó cũng có nghĩa, giảm được một loạt bệnh lý của người mẹ và thai nhi do đa thai gây ra như: dễ gây bệnh lý tiền sản giật, nhau bong non, nhau tiền đạo và nguy cơ sinh non để lại tật nguyền cho trẻ sơ sinh.
Hướng đi mới của các bệnh viện chữa vô sinh
Hạn chế của kỹ thuật này là chỉ áp dụng được cho những lab đủ tiêu chuẩn và những phôi có chất lượng tốt. Phôi xấu chỉ nuôi được đến ngày thứ ba là hỏng ngay.
Kỹ thuật này không giống như kỹ thuật nuôi cấy trứng non. Việc nuôi cấy trứng non chẳng khác gì nuôi những đứa trẻ sơ sinh non tháng. Trong điều kiện ấy, vẫn có thể nuôi được nhưng có tới 2/3 trường hợp là bị các dị tật, chỉ có 1/3 trẻ phát triển bình thường. Với trẻ sinh non chỉ làm trong các trường hợp thụ động, nghĩa là không giữ được lâu hơn nữa thì bắt buộc sinh non.
Việc lấy trứng non để nuôi cấy tuy dễ hơn với trứng đã trưởng thành (lúc này bệnh nhân dễ bị kích thích quá độ buồng trứng) nhưng tỷ lệ thành công thấp và chưa ai dám khẳng định việc nuôi cấy này có để lại dị tật cho trẻ hay không. Theo TS Tiến, phương pháp này chưa nên triển khai rộng rãi, hãy để một vài trung tâm làm thấy tốt thì mở rộng để các trung tâm khác đưa ra ứng dụng.
Kỹ thuật blastocyst, theo TS Tiến, rất ưu việt. Hiện Việt Nam mới làm thí điểm một số trường hợp. Tương lai, nếu kỹ thuật này ổn định, tỷ lệ thành công cao sẽ được triển khai tới các trung tâm chữa vô sinh trong cả nước.