Tầng nông nước ngầm của cả một khu vực hầu như không còn xài được nữa; nhiều mái tôn của nhà dân bị “cháy”... Và dù là khu vực đất cao 15 - 19m so với mực nước biển, nhưng vào mùa mưa cả khu vực rộng lớn bị ngập gây khốn khổ cho bao người. Đó là tình trạng ô nhiễm ở kênh Ba Bò, quận Thủ Đức (TP.HCM).
“Cháy”... cả tôn và tiêu tầng nước ngầm
Nay dòng kênh này còn bị gọi bằng nhiều tên khác: kênh thối, kênh chết... Dòng nước ô nhiễm khủng khiếp ở đây chảy miệt mài quanh năm suốt tháng và nơi tiếp nhận cuối cùng là sông Sài Gòn.
Tại cống Ba Bò (phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức), chúng tôi thấy một khối bọt trắng xóa, cao cỡ 2 - 3m sủi trên miệng cống. Tảng bọt ấy sinh ra từ dòng nước đen hôi thối. Những người dân sinh sống quanh cống thối này than vắn thở dài: “đám bọt đó cứ bay tứ tung mỗi khi có gió, chúng đáp lên mái nhà làm mục hết cả tôn”.
“Tôn lợp nhà xài được độ hai năm là phải thay do bị mục, thủng lỗ...” - anh Nguyễn Chương Dương, một cư dân sống ở đây, thở dài. Người dân sống dọc kênh Ba Bò cho rằng do nước dòng kênh này quá ô nhiễm, có thể hòa lẫn trong đó nhiều loại hóa chất khác nhau, khi nước bốc hơi đáp lên mái nhà làm mục tôn và hư hại một số vật dụng thường ngày.
Khu vực gần cuối nguồn kênh Ba Bò, nước đen đặc, hôi thối, bọt sủi cao cả mét... (Ảnh: Quốc Thanh) |
Anh Dương cho biết ở khu vực đầu nguồn kênh Ba Bò, nước ngầm hư hết. Giếng sâu tầm 30 - 35m là nước không còn xài được, phải khoan cỡ 70m trở lên... Tuy nhiên, anh nói “thấy không có mùi gì khác lạ là cứ xài chứ đâu biết có an toàn, có nhiễm hóa chất gì độc hại hay không...”.
Ở khu vực này hầu hết các hộ dân chưa có nước sạch để dùng, nguồn nước sinh hoạt là nước ngầm, nhưng “nguồn nước ngầm ở tầng nông bị ô nhiễm hoàn toàn”, Phòng Tài nguyên - môi trường UBND quận Thủ Đức xác nhận.
Con số giật mình
Kênh Ba Bò đã bị xem là dòng kênh chết. Nói cách khác, ở nhiều đoạn của dòng kênh này không còn sự sống bởi nồng độ oxy hòa tan (trong nước) đo đạc năm 2006 cho thấy “tất cả các điểm đo đạc đều có nồng độ oxy hòa tan không đạt tiêu chuẩn nước mặt loại B, và tiêu chuẩn chất lượng nước ngọt bảo vệ đời sống thủy sinh”. Giá trị oxy hòa tan dao động trong khoảng 0 - 2,2 mg/l - “mức này là rất thấp, gây chết hầu hết các loại cá”. |
Kết quả phân tích mẫu nước lấy dọc kênh Ba Bò đã đưa ra con số giật mình: vi sinh vượt tiêu chuẩn cho phép cao nhất đến 11.000 lần (so với tiêu chuẩn nước mặt, loại B). Còn so với tiêu chuẩn VN dành cho nước thủy lợi (cho vùng đất trồng rau và các loại thực vật khác dùng ăn tươi, sống) thì loại vi sinh fecal coliform - nguy cơ gây các bệnh đường tiêu hóa - vượt tiêu chuẩn cho phép từ 450 lần trở lên. Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM cảnh báo: “đây là vấn đề đáng quan tâm nhất và cần thiết phải cảnh báo, vì diện tích đất nông nghiệp dọc khu vực kênh Ba Bò sử dụng nguồn nước của kênh để tưới tiêu cho rau tươi trồng trong khu vực...”.
Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM đặc biệt lưu ý “hàm lượng vi sinh tăng từ 40 - 70 lần đã cho thấy nước ở đây nhiễm vi sinh ngày càng cao”. Cụ thể, kết quả đo đạc năm 2006 cho thấy hàm lượng vi sinh vượt tiêu chuẩn cho phép hàng triệu lần. Năm 2007, “sức khỏe” của kênh Ba Bò đang được Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM tiếp tục theo dõi rất sát sao và liên tục có những cảnh báo về môi trường tồi tệ ở khu vực này.
Theo các cơ quan chuyên môn, kênh Ba Bò bị ô nhiễm là do lượng nước thải khổng lồ, có thể lên đến hàng chục nghìn m3/ngày của các khu công nghiệp Đồng An, Sóng Thần... thuộc tỉnh Bình Dương đổ về. Nguyên nhân gây ô nhiễm đã được xác định nhưng chẳng biết bao giờ mới được khắc phục!
QUỐC THANH