Ốc cổ ngỗng - Hải sản giá "cắt cổ" chỉ dành cho người giàu

  •   53
  • 4.036

Vùng biển xứ Galicia ở tây bắc Tây Ban Nha nổi tiếng với nhiều loài hải sản cao cấp, trong đó ốc cổ ngỗng được xem là có giá trị dinh dưỡng rất cao với rất nhiều nguyên tố vi lượng, vị lại ngọt ngon. Đổi lại, giá của chúng vô cùng đắt đỏ, lúc cao nhất có thể lên tới 200-300 euro/kg (khoảng hơn 5 triệu đồng tới gần 8 triệu đồng/kg).

Ở đất nước Tây Ban Nha, nghề đánh bắt hải sản đem lại thu nhập đáng kể cho người dân sống ở các vùng bờ biển với nhiều loại động vật biển có giá trị kinh tế cao như tôm đỏ vùng Catalonia, cua nhện Asturias, cá trổng xứ Cantabrian… song vẫn không sánh được với ốc cổ ngỗng. Loại thực phẩm này được đánh giá dành cho giới thượng lưu bởi giá của chúng đắt gấp trăm gần các hải sản thường.

Tại nhà hàng, mỗi đĩa ốc cổ ngỗng có giá khoảng 100 euro (tương đương gần 3 triệu đồng). Ở Trung Quốc, giá ốc cổ ngỗng là vô cùng đắt đỏ, một con nhỏ thôi cũng có giá tới 900 nhân dân tệ (khoảng 3 triệu đồng). Mặc dù vậy, vẫn có những người muốn mua nhưng lại chẳng mua được loại ốc này. Chưa kể phần không ăn được chiếm đến gần một nửa trọng lượng của nó khiến ốc cổ ngỗng trở thành một trong những thứ hải sản đắt nhất thế giới.

Đánh đổi cả sinh mạng

Được biết, ốc đầu ngỗng có tên gọi là Gooseneck barnacles, hay còn gọi là Lucifer’s Finger (móng tay của Lucifer). Những cái tên này phần lớn đều xuất phát từ hình dáng đặc biệt của món ốc lạ này. Phần đầu của con ốc thật sự rất giống cái đầu ngỗng với phần cổ dài, đầu tròn và mỏ nhọn. Ngoài ra, một vài con ốc có độ dài nhiều hơn thì lại được nhìn ra là rất giống ngón và móng tay của con người. Đó là lý do vì sao món ốc lạ này lại có hai cái tên thú vị như vậy. Ốc đầu ngỗng không thể nuôi mà nó tự sinh sống và phát triển ngoài biển khơi xa xôi.

Ruột của loài ốc này có hình dạng giống cổ con ngỗng.
Ruột của loài ốc này có hình dạng giống cổ con ngỗng.

Loại ốc này chỉ sống ở những nơi có nguồn nước rất sạch. Yêu cầu về chất lượng nước của ốc cổ ngỗng là khá cao. Nếu nước biển ô nhiễm nghiêm trọng, chúng sẽ không thể sống được, thậm chí sẽ chết rất nhanh. Vì vậy, chúng có thể được coi là dấu hiệu cho biết mức độ ô nhiễm của nước biển. Thức ăn của chúng là tảo wrack mọc trên các đảo đá ven bờ đại dương và vì cuộc sống của chúng phụ thuộc vào thủy triều nên chúng chỉ được tìm thấy ở các bờ biển chênh vênh ở Galicia và chỉ lộ ra khi thủy triều lên xuống, nơi mà thường xuyên có nhiều cơn sóng to đập vào.

Loài động vật này cần được thu hoạch trực tiếp mới đảm bảo hương vị tươi ngon, chinh phục thực khách trên bàn tiệc. Vì thế, "thợ săn" hà ngỗng chỉ có thể bắt đầu công việc khi có đơn đặt hàng.

Những người chuyên săn tìm, đánh bắt ốc cổ ngỗng được gọi là “percebeiro” trong tiếng Tây Ban Nha. Và để trở thành một percebeiro giỏi nghề, tìm được nhiều ốc cổ ngỗng, mỗi chuyến đi biển phải chấp nhận những thử thách, đối mặt với hiểm nguy ở vùng biển Galicia nổi tiếng hung bạo, thời tiết bất thường, khó đoán định. Nếu chưa có một kế hoạch cụ thể và các biện pháp an toàn, có khi không bắt được chúng mà còn gây nguy hiểm tới tính mạng.

Đã có một thống kê đáng buồn: hầu như người dân nào sống bằng nghề đánh bắt hải sản, đặc biệt là ốc cổ ngỗng, cũng từng chứng kiến bạn bè hay người thân trong gia đình mất mạng vì sóng biển Đại Tây Dương. Chia sẻ về sự nguy hiểm của nghề bắt ốc cổ ngỗng, một thợ chuyên bắt ốc cổ ngỗng lâu năm Fernando Damas cho biết rằng: “Đã có rất nhiều thợ lặn một đi không trở lại hoặc cũng có nhiều thợ lặn bị thương nặng khi làm việc. Do khi người thợ tập trung vào tìm những con ốc trên các tảng đá thì họ hầu như là quay lưng hoàn toàn với đại dương nguy hiểm. Lúc này, nếu có cơn sóng dữ ập vào thì khả năng sát thương là rất cao”.

Nghề mò ốc cổ ngỗng cho thu nhập cao song rất nguy hiểm, đôi khi phải trả giá bằng tính mạng.
Nghề mò ốc cổ ngỗng cho thu nhập cao song rất nguy hiểm, đôi khi phải trả giá bằng tính mạng.

Ngoài ra, có một gia đình ở thị trấn Baiona, trên bờ biển phía nam của Galicia với các chị em đều là nữ đã sống với nghề săn tìm ốc cổ ngỗng từ nhiều năm nay. Gia đình nhà González nổi tiếng không chỉ tại địa phương họ sinh sống mà khắp vùng Galicia. Nghề săn tìm ốc cổ ngỗng như thể đã có trong máu bốn chị em Susana, Isabel, Lala và Belén González từ khi họ sinh ra. Bởi cha mẹ họ cũng làm nghề đó và cả bà nội, bà ngoại của họ cũng là các percebeira.

Với một gia đình giàu truyền thống với nghề như vậy, bốn chị em nhà González đã có công việc ổn định: Lala từng làm chủ một cửa hàng thực phẩm, rồi từng là thợ làm bánh của một cửa hàng bánh ngọt; Isabel từng đứng bếp nhiều năm tại một cửa hàng làm tapas ở Baiona; Susana có thời gian làm công việc quản lý tại một công ty dược phẩm; Belén từng là nhân viên một cửa hàng bán lẻ ở Baiona. Vậy mà cả bốn đều rời bỏ để sống với cái nghề hay đúng hơn là cái nghiệp mà bà nội, bà ngoại của họ đã theo đuổi suốt đời.

Dường như tiếng gọi của vị nữ thủy thần đã đánh thức cái nghiệp đã có trong huyết quản của bốn chị em. Ông Belén González, không chỉ là một percebeiro thiện nghệ, ông còn nổi tiếng vì đã cứu sống nhiều đồng nghiệp, thế nhưng ông cũng chứng kiến nhiều percebeiro mất mạng giữa biển khơi sóng gió. Còn cô Isabel chia sẻ về những kinh nghiệm được cha truyền đạt khi săn tìm ốc cổ ngỗng rằng, “Khi đánh bắt, phải làm sao bóc chúng ra một cách khéo léo, nếu bị rách trực tiếp khi tách ra khỏi đá, hà ngỗng sẽ chết và không thể tiêu thụ được. Có một tảng đá ngoài khơi là chốn nương thân của những con ốc cổ ngỗng ngon nhất trong vùng. Không ai có thể đến được nơi đó, ngoại trừ cha tôi…Khi bạn bè ông trở về với 10kg ốc, ông mang về nhà 20kg”.

“Có nhiều người hỏi tôi đã từng có ý định tìm một nghề khác không. Tôi đáp: Bạn đùa tôi à? Bạn nghĩ tôi muốn công việc bàn giấy sao? Văn phòng của tôi đây: đại dương và bờ biển. Tôi đang ở ngoài trời lồng lộng, gió vờn trên mặt, các chị em tôi bên cạnh. Còn gì tốt đẹp hơn thế chứ?”, Isabel nói.

Chỉ cần luộc cũng đủ ngon

Do tìm bắt chúng rất khó khăn, có thể nguy hiểm đến tính mạng, thêm nữa nguồn cung không ổn định, tùy thuộc thời tiết và nhiệt độ nước biển vùng Galicia nên giá loài ốc cổ ngỗng cao ngất ngưởng. Tất nhiên đây cũng là thứ hải sản tuyệt đối sạch và rất bổ dưỡng.

Con vật này tiết ra loại chất dính rất chắc. Loại chất dính này thậm chí còn được con người ứng dụng để chế tạo loại keo dính để dán kim loại hay vá tàu thuyền bị thủng. Trong y học, chất dính của con hà ngỗng còn được sử dụng làm băng giấy cầm máu, bịt miệng vết thương và vết mổ.

Một số con hà ngỗng có độ dài hơn nhìn giống ngón tay và móng tay của con người. Vì thế, ở Bồ Đào Nha người ta gọi loại hải sản này là “những ngón tay quỷ Lucifer”. Ai nhìn lần đầu sẽ cảm giác hơi sợ trước vẻ bên ngoài xấu xí của chúng.

Món phổ biến nhất vẫn là luộc ốc cho chín để là có thể thưởng thức trọn vẹn mĩ vị đại dương.
Món phổ biến nhất vẫn là luộc ốc cho chín để là có thể thưởng thức trọn vẹn mĩ vị đại dương.

Ở Tây Ban Nha, chỉ các nhà hàng hải sản cao cấp mới có món ốc cổ ngỗng. Có nhiều công thức để chế biến món ốc đầu ngỗng đặc biệt này, nhưng loài ốc này vốn có hương vị đặc biệt nên không cần chế biến quá cầu kỳ. Món phổ biến nhất vẫn là luộc ốc cho chín để là có thể thưởng thức trọn vẹn mĩ vị đại dương.

Người châu Âu vô cùng yêu thích loại thực phẩm này và xem đây như một loại hải sản cao cấp bởi chúng có giá trị dinh dưỡng rất cao. Hà ngỗng chứa nhiều nguyên tố vi lượng, có vị ngọt, thơm ngon khó cưỡng. Nhiều thực khách từng thưởng thức miêu tả hà ngỗng ngon hơn cả tôm hùm hay cua hoàng đế.

Tuy nhiên, loại nước dùng để luộc ốc không chỉ đơn giản là nước thông thường mà dùng nước biển để luộc thì ốc sẽ ngon hơn. Nếu bạn không tìm được nước biển thì có thể hòa một thìa muối biển vào nước cũng có thể tạm chấp nhận được. Ngoài ra, cũng có người cho thêm lá nguyệt quế Hy Lạp vào nước luộc để tăng hương vị hơn cho thịt ốc.

Ốc đầu ngỗng có cách ăn rất dễ bởi sau khi ốc được luộc xong thì phần thân ốc sẽ mềm hơn. Lúc này, bạn chỉ cần dùng 2 tay ấn nhẹ phần tiếp nối giữa thân ốc và đầu ốc là có thể tách bỏ vỏ dễ dàng. Và phần ăn được chính là thịt ốc trắng nõn bên trong, giá trị dinh dưỡng của nó xứng tầm với số tiền mà thực khách bỏ ra.

Cập nhật: 24/11/2023 Theo baophapluat/ANTĐ
  • 53
  • 4.036