Năm 2004, các công nhân xây dựng động thổ một trung tâm mua sắm ở Norwich, Anh, đã tìm thấy 17 hài cốt dưới đáy giếng 800 năm tuổi, gồm 6 người lớn và 11 trẻ em.
Không giống như được chôn cất tập thể, các thi thể nằm hỗn độn, chồng chéo lên nhau, có thể là do bị ném theo chiều chúi đầu xuống ngay sau khi họ qua đời.
“Tôi rất vui và nhẹ nhõm khi 12 năm sau khi chúng tôi bắt đầu phân tích hài cốt của những người này, công nghệ đã bắt kịp và giúp chúng tôi hiểu được lịch sử lạnh lùng về họ, rằng họ là ai, và tại sao chúng tôi nghĩ họ bị sát hại”, Selina Brace, một nhà nghiên cứu chính tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết trong một thông cáo báo chí, theo CNN.
Các nhà khoa học gần đây đã trích xuất được vật liệu di truyền chi tiết được bảo quản trong xương, nhờ những tiến bộ gần đây trong việc giải mã trình tự ADN cổ đại.
Bộ gene của 6 người trong số họ cho thấy 4 người có quan hệ họ hàng với nhau, trong đó có 3 chị em gái, người trẻ nhất từ 5 đến 10 tuổi. Phân tích sâu hơn về vật liệu di truyền cho thấy rằng cả 6 người "gần như chắc chắn" là người Do Thái Ashkenazi.
Mô hình kỹ thuật số tái tạo khuôn mặt của một trong những đứa trẻ được tìm thấy trong chiếc giếng. (Ảnh: Caroline Wilkinson).
Nghiên cứu lưu ý do một tập quán kết hôn lâu đời trong cộng đồng, các nhóm Do Thái Ashkenazi thường mang một tổ hợp di truyền đặc biệt, bao gồm dấu hiệu cho thấy một số rối loạn di truyền hiếm gặp. Chúng bao gồm bệnh Tay-Sachs, thường gây tử vong ở trẻ em.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng các cá nhân trong giếng có cùng tổ tiên di truyền với người Do Thái Ashkenazi ngày nay. Theo nghiên cứu, họ là hậu duệ của các quần thể Do Thái thời trung cổ chủ yếu ở Bắc và Đông Âu.
"Không ai phân tích ADN cổ của người Do Thái trước đây vì lệnh cấm xáo trộn các ngôi mộ của người Do Thái. Tuy nhiên, chúng tôi đã không biết họ có khả năng là người Do Thái cho đến khi phân tích gene", nhà di truyền học tiến hóa và đồng tác giả nghiên cứu Mark Thomas, giáo sư tại Đại học College London, cho biết.
“Điều khá ngạc nhiên là những bộ hài cốt này đã lấp đầy khoảng trống lịch sử về thời điểm một số cộng đồng Do Thái hình thành lần đầu tiên, và nguồn gốc của một số rối loạn di truyền ở họ”, ông nói.
Việc phân tích ADN cũng cho phép các nhà nghiên cứu suy ra đặc điểm thể chất của một đứa trẻ mới biết đi được tìm thấy trong giếng. Cậu bé có thể có mắt xanh và tóc đỏ, đặc điểm sau này gắn liền với định kiến lịch sử đối với người Do Thái châu Âu, nghiên cứu được công bố hôm 30/8 trên tạp chí Current Biology, cho biết.
Các nhà nghiên cứu tin rằng tất cả họ đều chết trong một cuộc bạo lực bao trùm thành phố, rất có thể là cuộc bạo động vào tháng 2/1190 liên quan đến cuộc Thập tự chinh thứ ba, một trong những cuộc chiến tôn giáo được giáo hội ủng hộ, theo miêu tả trong một biên niên sử thời Trung cổ. Hiện chưa rõ số người thiệt mạng trong vụ thảm sát.
Mô hình kỹ thuật số tái tạo khuôn mặt của một người lớn trong số hài cốt được tìm thấy trong chiếc giếng. (Ảnh: Caroline Wilkinson).
Trong tài liệu thời trung cổ "Imagines Historiarum II", biên niên sử gia Ralph de Diceto đã mô tả sống động về vụ tàn sát.
"Nhiều người trong đoàn người vội vã đến Jerusalem đã quyết nổi dậy chống lại người Do Thái trước khi họ xâm lược Saracens. Theo đó, vào ngày 6/2/1190 sau Công Nguyên, tất cả người Do Thái được tìm thấy trong nhà riêng của họ tại Norwich đều bị tàn sát; một số đã lánh nạn trong lâu đài", ông viết.
Chiếc giếng chứa 17 bộ hài cốt nằm ở nơi từng là khu phố Do Thái thời trung cổ của Norwich. Nghiên cứu ghi nhận rằng cộng đồng Do Thái của thành phố là hậu duệ của những người Do Thái Ashkenazi từ Rouen, Normandy, những người được mời đến Anh bởi William the Conqueror, người đã xâm lược nước Anh vào năm 1066.
Tuy nhiên, mối liên hệ với cuộc bạo động 1190 vẫn chưa rõ ràng.
Các thi thể đã bị ném vào giếng tại một thời điểm nào đó trong khoảng từ năm 1161 đến năm 1216. Thời kỳ này chứng kiến nhiều cuộc bạo động chống đối xã hội, được ghi chép rõ ràng ở Anh.
Tom Booth, một nhà khoa học nghiên cứu cấp cao tại Viện Francis Crick, cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy hiệu quả của ngành khảo cổ học, và đặc biệt là các kỹ thuật khoa học mới như phân tích ADN cổ đại, trong việc cung cấp quan điểm mới về các sự kiện lịch sử”.