25.000 thùng thuốc trừ sâu chưa phân hủy dưới đáy biển

Phát hiện 25.000 vật thể bí ẩn, nghi chứa hóa chất độc hại dưới đáy biển sâu
  •  
  • 1.846

Khoảng giữa thế kỷ 20, hàng loạt thùng chứa thuốc trừ sâu DDT bị thải xuống biển và hiện vẫn chưa phân hủy, gây nguy cơ lớn cho môi trường.

DDT là chất hữu cơ cao phân tử tổng hợp, có chứa clo, ở dạng bột có màu trắng, mùi đặc trưng, không tan trong nước.

DDT có độ bền và độc tính rất cao, rất lâu bị phân huỷ trong môi trường tự nhiên.


Một thùng DDT dưới đáy đại dương, gần bờ biển của Đảo Catalina, California. (Ảnh: AP).

Hàng thập kỷ trước, các công ty công nghiệp ở miền nam California sử dụng bờ biển làm bãi xả chất thải hóa học độc hại suốt nhiều năm, bao gồm cả thuốc trừ sâu DDT. Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học phát hiện, DDT vẫn có nồng độ cao dưới đáy đại dương và chưa hề phân hủy, Guardian hôm 24/3 đưa tin.

"Chúng tôi vẫn thấy DDT nguyên bản dưới đáy biển từ 50, 60, 70 năm trước. Điều đó cho thấy chất này không phân hủy theo cách chúng tôi từng nghĩ", David Valentine, nhà khoa học tại Đại học California Santa Barbara, cho biết hôm 23/3. Vùng ô nhiễm dưới đáy biển thậm chí lớn hơn cả thành phố San Francisco.

DDT từng được sử dụng rộng rãi ở Mỹ như một loại thuốc trừ sâu trong nông nghiệp và phun với số lượng lớn ở các bãi biển để diệt muỗi. Người ta phát hiện hợp chất này có liên quan đến ung thư, một số bệnh khác ở người và cả những sự kiện động vật chết hàng loạt.

Những năm 1970, DDT bị cấm ở Mỹ do tác hại với động vật hoang dã và rủi ro tiềm ẩn với con người. Nghiên cứu cũng đã cho thấy mối liên hệ giữa việc tiếp xúc hóa chất này với ung thư vú và các vấn đề sinh sản. Gần bờ biển miền trung California, nơi cũng từng là bãi rác của DDT, một nghiên cứu kéo dài 20 năm phát hiện việc tiếp xúc với chất ô nhiễm liên quan đến tỷ lệ ung thư và nhiễm herpes cao ở sư tử biển.

Nam California là trung tâm sản xuất DDT ở Mỹ. Tập đoàn Hóa chất Montrose ở Torrance, Nam California, sản xuất một lượng lớn DDT từ khi kết thúc Thế Chiến II đến năm 1982, trước khi Quốc hội Mỹ cấm hoạt động này. Trong thời gian đó, mỗi tháng có tới 2.000 thùng chất thải cặn axit có chứa DDT bị đổ ra biển. Công nhân đôi khi chọc lỗ trên thùng để chúng chìm nhanh hơn.

Năm 2021, nhóm chuyên gia từ Viện Hải dương học Scripps thuộc Đại học California San Diego và Cơ quan Khí quyển Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) tiến hành cuộc khảo sát kéo dài hai tuần, sử dụng robot đáy biển, hình ảnh sonar (thiết bị định vị thủy âm) và dữ liệu khác. Cuộc khảo sát phát hiện tới hơn 25.000 thùng chất thải. Các nhà khoa học cũng tìm thấy hơn 100.000 đồ nhân tạo trên toàn bộ khu vực khảo sát.

Theo phân tích mới nhất của các nhà khoa học, lớp DDT đậm đặc nhất chỉ nằm sâu khoảng 6 cm dưới trầm tích đáy biển. "Lưới kéo, dây cáp, có thể khiến chất này nổi lại trên bề mặt. Động vật kiếm ăn, ví dụ một con cá voi đi xuống và đào bới đáy biển, mọi thứ có thể bị khuấy lên", Valentine nói.

Cập nhật: 08/10/2024 Theo VNE
  • 1.846