Phát hiện 5 đốm xanh lạ trên bầu trời: Liệu có phải là cụm vật thể vũ trụ hoàn toàn mới?

  •  
  • 391

Trong quá trình khảo sát các đám mây khí, các nhà khoa học đã phát hiện 5 đốm xanh lạ trong cụm thiên hà Xử Nữ.

Theo tờ Space, các nghiên cứu cho thấy những đốm xanh này chính là các ngôi sao trẻ màu xanh lam. Điều bất thường là những ngôi sao này hoàn toàn bị cô lập với các thiên hà mẹ của chúng, được sắp xếp theo một mô hình kỳ lạ.

Dựa trên những chi tiết đó, các nhà nghiên cứu nghĩ rằng họ đã phát hiện ra một loại hệ sao mới: Một tập hợp các ngôi sao có lực hấp dẫn mạnh, không hoàn toàn là một thiên hà nhưng cũng không phải bất kỳ một dạng cụm sao nào đã biết.

Các đốm màu xanh lạ hiện diện trên bầu trời, xung quanh là những đốm vật chất nhỏ hơn
Hình ảnh chụp bởi Kính viễn vọng không gian Hubble của NASA cho thấy các đốm màu xanh lạ hiện diện trên bầu trời, xung quanh là những đốm vật chất nhỏ hơn, li ti, cũng phát ra ánh sáng xanh hoặc trắng - (Ảnh: HUBBLE/NASA)

Bí ẩn hơn nữa, các đốm màu được xác định là có ít khí hydro nguyên tử, một thành phần quan trọng trong quá trình hình thành sao. Điều này hoàn toàn gây bối rối khi bản thân chúng là những ngôi sao trẻ, như mới thoát ra khỏi vườn ươm sao.

Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà thiên văn Michael Jones từ Đài quan sát Steward của Đại học Arizona - Mỹ đã ghi nhận sự hiện diện của kim loại nặng trong các đốm màu.

Điều này cho thấy rất có thể trong một giai đoạn nào của quá trình tiến hóa thiên hà, có thứ gì đó đi ngang kéo một cụm khí ra khỏi thiên hà; hoặc bản thân "bụng" của thiên hà tự tống ra một đám vật chất. Các ngôi sao này đã hình thành trong đám vật chất "đào tẩu" đó.

Các nhà thiên văn học nghi ngờ rằng, theo thời gian, các ngôi sao trong mỗi đốm xanh lạ sẽ tách thành các cụm sao nhỏ hơn và lan rộng ra.

Phát hiện vừa được trình bày tại cuộc họp lần thứ 240 của Hiệp hội Thiên văn Hoa Kỳ ở Pasadena, California.

Cập nhật: 06/07/2022 NLĐ
  • 391