Con bạch tuộc có một chi bất thường đâm ra từ cánh tay thứ ba và được gia đình ngư dân hiến tặng cho bảo tàng thay vì chế biến món ăn.
Con bạch tuộc có 9 cánh tay. (Ảnh: Kyodo News).
Con bạch tuộc 9 tay lọt vào bẫy cùng với 3 con bạch tuộc khác hôm 13/11 ở vịnh Shizugawa tại thị trấn phía đông bắc Minamisanriku, Nhật Bản. Kazuya Sato, nông dân chuyên thu hoạch tảo biển wakame, đặt bẫy và mang hải sản đánh bắt được về nhà để mẹ ông nấu bữa tối. Tuy nhiên, cụ bà trông thấy chiếc tay thứ 9 của con bạch tuộc không lâu sau khi thả nó vào nồi nước. Con bạch tuộc đã chết nhưng cơ thể của nó vẫn còn nguyên vẹn, do đó Sato quyết định hiến tặng cho Trung tâm Tự nhiên Shizugawa. Tại đó, con bạch tuộc được bảo quản bằng rượu trước khi trưng bày.
Dù chi phụ mọc dư bất thường chưa phát triển đầy đủ mà chỉ là một nhánh nhỏ ở cánh tay bình thường, hiện tượng này không phải lần đầu tiên được ghi nhận, theo Michael Vecchione, nhà động vật học chuyên nghiên cứu động vật không xương sống ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Smithsonian tại Washington, D.C., cho biết. "Bạch tuộc có thể mọc lại các tay, nhưng đôi khi quá trình tái tạo chi diễn ra sai hướng", Vecchione giải thích. "Nếu một tay bị tổn thương, nó có thể tái tạo nhầm, kích hoạt thêm mô nữa phát triển và mô đó có thể mọc thành chiếc tay nữa".
Vịnh Shizugawa ở cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi 200 km về phía bắc, nơi từng trải qua sự cố nóng chảy hạt nhân sau trận động đất 7,9 độ và sóng thần năm 2011. Nhưng Vecchione cho biết ít có khả năng cánh tay thứ 9 của con bạch tuộc do nhiễm độc phóng xạ gây ra. Việc mọc thêm tay không ảnh hưởng tới con bạch tuộc, vì chiếc tay rất nhỏ và chỉ chìa ra từ cánh tay bình thường. Con vật vẫn có thể hoạt động, di chuyển và kiếm ăn. "Tình huống xấu nhất là con bạch tuộc phải kéo lê chiếc tay, nhưng đó có lẽ không phải vấn đề quá lớn", Vecchione nói.