Phát hiện loài bạch tuộc ấp trứng hơn 4 năm

  •  
  • 2.379

(khoahoc.tv) - Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Đảo Rhode (University of Rhode Island - URI) và Viện nghiên cứu thủy sinh vịnh Monterey (Monterey Bay Aquarium Research Institute) đã quan sát một loài bạch tuộc sống dưới biển sâu ấp trứng của nó trong 4 năm rưỡi – lâu hơn so với bất kỳ loài động vật nào từng được biết đến.

Trong suốt thời gian này, con bạch tuộc cái giữ những quả trứng của nó sạch sẽ và bảo vệ trứng khỏi những kẻ ăn thịt. Kì tích này cho thấy một hoạt động tiến hóa cân bằng giữa lợi ích đối với những con bạch tuộc con để có nhiều thời gian phát triển bên trong trứng, và khả năng sống sót của mẹ chúng trong những năm khan hiếm hoặc không có thức ăn.

“Nghiên cứu này phản ánh rằng chúng ta biết rất ít về sự sống trong biển sâu và về sự sống nói chung”, Brad Seibe, một giáo sư URI về khoa học sinh vật học cho biết. “Từ những sinh vật sống nông dưới nước, chúng tôi đã phát triển các ý tưởng hạn hẹp về các khả năng của các loài động vật”.

Dựa trên nghiên cứu trước đó, Seibel đã ngầm đoán trứng của một số loài bạch tuộc sống dưới biển sâu có thể mất vài năm để phát triển, và quan sát mới này đã cung cấp một cơ hội hoàn hảo để kiểm tra giả thuyết đó. “Trong khi chúng tôi dự đoán về một thời gian phát triển dài, chúng tôi không tự tin lắm về dự đoán đó và kết quả phát hiện được vẫn thật bất ngờ”.

Mấy tháng trong 25 năm trở lại đây, một nhóm các nhà nghiên cứu Vịnh Monterey được dẫn đầu bởi Bruce Robison đã thực kiện các khảo cứu về các sinh vật dưới biển sâu tại một vị trí nghiên cứu dưới sâu của khu vực Monterey Canyon mà họ gọi là Midwater 1.

Phát hiện loài bạch tuộc ấp trứng hơn 4 năm

Tháng 5/2007, một trong những lần khảo cứu như vậy, các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy một con bạch tuộc cái đang ôm chặt gờ đá chỉ nằm ngay trên bề mặt của hẻm đá ngầm, nằm ở độ sâu khoảng 4.600 feet (khoảng 1.380m). Con bạch tuộc này thuộc một loài có tên Graneledone boreopacifica, chưa xuất hiện tại đây trong đợt lặn trước được nhóm nghiên cứu thực hiện vào tháng 4/2007.

Qua 4 năm rưỡi, nhóm nghiên cứu đã lặn xuống vị trí này tất cả 18 lần. Mỗi lần, họ đều nhìn thấy vẫn con bạch tuộc cái, họ có thể chắc chắn đúng là nó vì các vết sẹo đặc biệt của nó. Khi năm tháng qua đi, những quả trứng trong mờ của con bạch tuộc lớn dần lên và các nhà nhiên cứu có thể nhìn thấy những chú bạch tuộc con đang phát triển bên trong. Qua cùng thời gian đó, con bạch tuộc mẹ đã giảm trọng lượng và da của nó trở nên nhăn nheo và nhợt nhạt.

Chưa bao giờ các nhà nghiên cứu nhìn thấy con bạch tuộc mẹ rời trứng ra hoặc ăn bất cứ thứ gì. Thậm chí nó còn không bị thu hút bởi những con cua và tôm nhỏ bò hoặc bơi quanh, miễn là chúng không động tới trứng của nó.

Lần cuối cùng các nhà nghiên cứu nhìn thấy con bạch tuộc ấp trứng đó là vào tháng 9/2011. Sau đó một tháng khi họ trở lại, họ không còn thấy con bạch tuộc ở đấy nữa. Khi các nhà nghiên cứu viết bài báo xuất bản tuần này trên tạp chí PLOS ONE, “mặt tảng đá mà con bạch tuộc đã ấp trứng có rất nhiều những vỏ trứng rỗng còn lại”. Sau khi đếm những vỏ trứng rỗng còn sót lại, họ đã ước tính con bạch tuộc cái đã ấp khoảng 160 quả trứng.

Hầu hết những con bạch tuộc cái chỉ đẻ một lứa trứng và chết đi vào khoảng thời gian mà những quả trứng của chúng nở. Các trứng của bạch tuộc Graneledone boreopacifica có hình dạng giống giọt nước có kích thước như những quả oliu nhỏ. Khi những con non lớn lên trong quả trứng, chúng cần rất nhiều oxy. Điều này có nghĩa là bạch tuộc mẹ liên tục phải tắm rửa cho những quả trứng trong nước biển sạch, giàu oxy và giữ trứng không bị bẩn và bị bao phủ bởi bùn hoặc các mảnh vụn. Nó cũng phải đảm bảo an toàn cho các quả trứng, bảo vệ trứng tránh khỏi những động vật ăn thịt.

Vì những con bạch tuộc con ở trong trứng lâu, khi nở ra chúng đã có đủ các khả năng sống sót của mình và có thể tự săn những con mồi nhỏ. Trên thực tế, con non của bạch tuộc G. boreopacifica to hơn và phát triển tốt hơn so với con non của bất kỳ loài mực hoặc bạch tuộc khác.

Thời gian ấp trứng kéo dài đại diện cho một thách thức về tiến hóa, đặc biệt là đối với các động vật như loài bạch tuộc, loài sinh vật không sống lâu. Như các tác giả đã nhấn mạnh trong bài báo của họ “Sự đánh đổi trong chiến lược sinh sản của những con bạch tuộc sống dưới đáy biển sâu, đó là sự đánh đổi giữa khả năng bạch tuộc mẹ phải chịu đựng một thời gian ấp trứng kéo dài và khả năng cạnh tranh cho những con non của mình. Graneledone boreopacifica đã sản sinh ra những con bạch tuộc con phát triển đầy đủ hơn, mang đến cho chúng những lợi thế về khả năng sống sót”.

Nghiên cứu này cho thấy, ngoài việc đạt kỷ lục về thời gian ấp trứng lâu nhất, Graneledone boreopacifica có thể là một trong những loài thân mềm sống dai nhất (nhóm thân mềm bao gồm bạch tuộc, mực và những họ hàng thân cận). Hầu hết các con mực sống ở vùng nước nông và mực chỉ có tuổi thọ một hoặc hai năm. “Số phận cuối cùng của những con bạch tuộc cái ấp trứng xong là không tránh khỏi cái chết”, các nhà nghiên cứu viết trong bài báo, “Nhưng trong ví dụ đầu tiên về sinh vật thân mềm sống dưới đáy biển sâu này, việc ấp trứng cũng cho thấy loài bạch tuộc này có tuổi thọ vượt xa so với tuổi thọ dự đoán về các động vật thân mềm khác”.

Phạm Thị Bích Thu (Sciencedaily)
  • 2.379