Các nhà khoa học phát hiện lớp mô da thuộc về các bộ xương hóa thạch hai triệu năm tuổi, được tìm thấy ở Nam Phi.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Witwatersrand, Nam Phi, phát hiện lớp mô da trong hang động thuộc khu bảo tồn tự nhiên Malapa, gần Johannesburg. Họ cho rằng chúng thuộc về người Australopithecus sediba, tổ tiên của loài người với những đặc điểm nguyên thủy và một số nét tiến bộ hơn. Đây là chi chuyển tiếp giữa dạng người vượn Australopithecus (loài đầu tiên đi thẳng đứng) - người Homo và chết cách đây khoảng hai triệu năm.
Lớp mô da được tách ra từ hộp sọ Australopithecus sediba ở khu vực Malapa. (Ảnh: AFP)
Giáo sư Lee Berger của nhóm chuyên gia nhận định đây là lớp mô da cổ nhất từ trước đến nay, có thể cung cấp đầu mối nghiên cứu quan trọng về sự sống của người cổ đại. Dấu hiệu về phần thừa thức ăn cũng được tìm thấy trong răng của các bộ xương.
"Chúng tôi phát hiện rằng đây không phải dạng đá bình thường mà chúng chứa vật chất hữu cơ bên trong. Dựa vào những thứ mắc kẹt trong răng, chúng tôi có thể xác định được họ đã ăn gì", Lee Berger nói.
Theo IB Times, hoạt động điều tra bắt đầu sau khi con trai 9 tuổi của giáo sư tìm thấy một mẩu xương hóa thạch ở Malapa năm 2008. Họ khai quật thêm nhiều mảnh xương mới và cả hộp sọ gần như hoàn chỉnh trước khi công bố phát hiện năm 2010.
Các nhà khoa học quyết định xây dựng một phòng thí nghiệm tại khu vực tìm kiếm nhằm bảo vệ các hóa thạch.