Phát hiện điều kiện giúp san hô thoát họa tuyệt chủng

  •  
  • 1.297

Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc ĐH Exeter cho thấy, san hô có thể tự hồi phục. Đây là tin tức tốt dành cho các nhà hoạt động môi trường trước nguy cơ biến mất vĩnh viễn của các rặng san hô trong vài thế kỷ tới.

Nghiên cứu của ĐH Exeter được công bố trên tạp chí PLOS One, cung cấp bằng chứng đầu tiên về khả năng tự hồi phục của rặng san hô sau khi bị ảnh hưởng mạnh của thay đổi khí hậu.

Trước đây, các nhà khoa học và môi trường học cảnh báo rằng, các rặng san hô có thể không có khả năng hồi phục từ sự phá hủy gây ra bởi thay đổi khí hậu, và vì vậy, loài động vật này sẽ mãi mãi biến mất.

Các nhà nghiên cứu tiếp tục tranh luận rằng, giảm mức đánh bắt cá là một cách khả thi để có thể bảo vệ hệ sinh thái đẹp nhất dưới biển này. Việc gia tăng nhiệt độ bề mặt nước của các đại dương khiến cho các rặng san hô bị "tẩy trắng" một cách nhanh chóng.

Bên cạnh đó là sự gia tăng mức độ axit hóa đại dương, gây ra bởi hiện tượng gia tăng CO2. Điều này làm giảm khả năng sản xuất CaCO3, chất liệu cấu tạo nên san hô.

Theo thống kê của các nhà hoạt động môi trường, chỉ có khoảng 2% rặng san hô trên thế giới thuộc khu bảo tồn biển, được cách ly khỏi hoạt động phá hoại của con người như đánh bắt cá, kéo lưới.

Các nhà nghiên cứu tiến hành cuộc điều tra trên 10 vùng bên trong và ngoài khu bảo tổn ở Bahamas trong hơn hai năm rưỡi. Những rặng san hô ở đây đã bị tổn thương vài lần bởi sự tẩy trắng và bão lớn ở Pháp vào mùa hè năm 2004.

Khi bắt đầu cuộc nghiên cứu, rặng có độ che phủ san hô trung bình 7%. Nhưng khi kết thúc dự án, diện tích che phủ ở khu vực được bảo vệ đã tăng lên khoảng 19%, trong khi những rặng không thuộc khu bảo tồn thì không có dấu hiệu phục hồi. 

Rặng san hô được bảo vệ tốt có thể phục hồi, trở thành ngôi nhà cho hàng nghìn loài khác nhau


Giáo sư Peter Mumby của ĐH Exeter cho biết: "Những rặng san hô là cấu trúc sống lớn nhất trên Trái Đất và là ngôi nhà của hệ sinh thái lớn nhất trên hành tinh này. Sự thay đổi khí hậu, môi trường đã khiến cho những rặng san hô vốn tồn tại qua hàng trăm nghìn năm thay đổi quá nhanh so với khả năng thích nghi của nó. Để nhằm bảo vệ rặng san hô trong dài hạn, chúng tôi cần những hành động quyết liệt để giảm sự phát thải CO2".

Nghiên cứu của nhóm khoa học do giáo sư Mumby đứng đầu chỉ ra rằng, việc hạn chế đánh bắt cá vẹt sẽ giúp khôi phục lại san hô. Cá vẹt ăn rong biển, loài thực vật cạnh tranh sinh tồn mạnh mẽ với san hô trong tự nhiên. Nghiên cứu mới có thể giúp những rặng san hô đương đầu với mối đe dọa không thể tránh khỏi từ biến đổi khí hậu.

Một vài điều thú vị về san hô:


- Một rặng san hô được làm từ một lớp mỏng CaCO3 (đá vôi) tích tụ qua hàng ngàn năm bằng hàng tỉ những cơ thể động vật mềm nhỏ gọi là polyp san hô.

- Rặng san hô là hệ sinh thái dưới biển đa dạng nhất trên trái đất, là ngôi nhà của hơn 25% loài động vật biển đã phát hiện, bao gồm 4000 loài cá, 700 loài san hô và hàng ngàn loài động, thực vật khác.

- Rặng san hô đã xuất hiện trên hành tinh của chúng ta từ 400 triệu năm trước.

- Rặng san hô lớn nhất là Rặng Great Barrier , kéo dài suốt bờ biển phía Đông bắc Australia, bắt đầu từ mũi phía Bắc Queensland, tới phía Bắc của Bundaberg. Với chiều dài 2.300 km, nó được coi là hình tượng tự nhiên lớn nhất trên hành tinh.

- Bên cạnh việc hỗ trợ cho ngành công nghiệp du lịch, những rặng san hô còn giúp bảo vệ vùng ven bờ khỏi xói mòn và ảnh hưởng của bão.

Theo Báo Đất Việt
  • 1.297