Các nhà khoa học Mỹ thuộc Viện Salk ở San Diego đã phát hiện ra một loại gien chủ chốt có thể giải thích vì sao chế độ ăn kiêng giúp loài động vật sống lâu, sau khi nghiên cứu trong phòng thí nghiệm về loài giun nhỏ bé C.elegans chỉ gồm 1.000 tế bào.
|
(Ảnh: iStockphoto) |
Các nhà sinh học đã nhận dạng vai trò của gien chủ chốt
PHA-4. Đây là gien duy nhất cần thiết để chế độ ăn kiêng tác động lên sự kéo dài tuổi. Nó điều hòa hoạt động của các gien khác. Theo ông Hugo Aguilaniu thuộc Trường Cao đẳng sư phạm Lyon (Pháp), đồng tác giác nghiên cứu, cung cấp cho một động vật 70% phần ăn của nó sẽ giúp con vật tăng thêm 20 đến 30% tuổi thọ.
Các nhà nghiên cứu cho biết có hai cách kéo dài tuổi thọ là chế độ ăn kiêng và insulin. Việc điều chỉnh lượng insulin giúp tăng gấp đôi tuổi thọ ở loài chuột tuy có thể gây chứng lùn và vấn đề vô sinh.
Nếu theo chế độ ăn kiêng nhưng cân bằng, loài giun C.elegans sẽ sống lâu hơn. Nhưng nếu các nhà nghiên cứu ức chế gien PHA-4, chế độ ăn kiêng không còn tác dụng. Nếu tăng hoạt động của gien này với một chế đô ăn bình thường, con giun cũng sẽ sống lâu hơn. Nếu gien này hoạt động mạnh kèm theo chế độ ăn kiêng, con giun càng sống lâu hơn nữa.
Loài giun C. Elegans không thể sống nếu không có gien PHA-4 giúp nó phát triển.
Theo nhà di truyền học Mỹ Gary Ruvkun thuộc Trường Đại học Harvard, nghiên cứu trên có thể giúp tìm hiểu về sự lão hóa ở con người. PHA-4 tương đương với 3 gien (foxa 1,2,3) ở người.