Hai quả cầu khổng lồ lao thẳng vào nhau, gây nên một vụ nổ lớn và để lại đám mây bụi khổng lồ.
Một nhóm chuyên gia của Đại học Tennessee và Viện Công nghệ California thông báo rằng họ phát hiện đám bụi khổng lồ di chuyển xung quanh một ngôi sao có tên BD +20 307 - cách Trái đất 300 năm ánh sáng (nghĩa là xảy ra cách thời điểm hiện tại ít nhất 300 năm).
"Vụ việc giống như Trái đất va vào sao Kim. Giới thiên văn học chưa từng chứng kiến bất kỳ hiện tượng nào như vậy", Benjamin Zuckerman, một thành viên của nhóm nghiên cứu, nói.
|
Ảnh: Reuters. |
"Nếu một trong hai hành tinh có sự sống, vụ va chạm khủng khiếp ấy chắc chắn đã hủy diệt mọi thứ trong vài phần nghìn giây. Đó là một sự kiện gây hủy diệt hoàn toàn", Gregory Henry, chuyên gia thiên văn của Đại học Tennessee, nhận định.
Tháng 7/2005, nhóm nghiên cứu đã phát hiện đám mây bụi bay quanh BD +20 307 có nhiệt độ rất cao. Nhưng phải mất tới 3 năm họ mới đủ cơ sở để kết luận rằng BD +20 307 được hình thành từ hai hành tinh có kích thước, khối lượng tương đương nhau.
"Chúng tôi không quan sát trực tiếp sự va chạm giữa hai hành tinh, nhưng sự hiện diện của một đám bụi nóng khổng lồ xung quanh BD +20 307 giúp chúng tôi suy đoán ra thảm họa đó. Khoảng cách từ đám bụi tới ngôi sao tương đương khoảng cách từ Trái đất và sao Kim tới Mặt trời", Henry nói.