Xung quanh một ngôi sao lùn màu cam chỉ cách Trái đất 130 năm ánh sáng, các nhà khoa học đã phát hiện một loại hành tinh chưa từng thấy và khó lòng lý giải.
Nhà vật lý thiên văn Susana Barros từ Viện Khoa học Vũ trụ và vật lý thiên văn (IA - Bồ Đào Nha) cho biết 2 "kho báu" mới nằm trong số 5 hành tinh của ngôi sao lùn cam HD 23472.
Theo Science Alert, trong vòng gần 2 năm - từ tháng 7-2019 đến tháng 4-2021 - nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Barros đã thu thập dữ liệu từ các phép đo vận tốc xuyên tâm của ngôi sao bằng cách sử dụng máy quang phổ ESPRESSO trên kính viễn vọng Very Large của Đài thiên văn Nam Âu (ESO).
Ảnh đồ họa mô tả một hệ 5 hành tinh - (Ảnh: SCI-NEWS)
Họ đã xác định được tất cả 5 ngoại hành tinh quanh "Mặt trời màu cam" này. Gần nhất là HD 23472d có chu kỳ quỹ đạo 3,98 ngày, bán kính bằng 0,75 lần Trái đất và khối lượng khoảng 0,54 lần Trái đất. Kế tiếp là HD 23472e, chu kỳ 7,9 ngày, bán kính bằng 0,82 Trái đất và khối lượng bằng 0,76 Trái đất.
Hành tinh thứ 3 HD 23472f lớn hơn Trái đất một chút, khoảng 1,13 lần nhưng khối lượng chỉ bằng 0,64 lần, chu kỳ 12,16 ngày. Tiếp theo là HD 23472b to gấp đôi địa cầu, khối lượng gấp 8,42 lần - có thể là một siêu Trái đất, chu kỳ 17,67 ngày.
Xa nhất là HD 23472c to gấp 3,37 lần Trái đất, khối lượng 1,85 lần và một năm trên đó bằng 29,8 ngày của chúng ta.
Hai kho báu chính là 2 hành tinh gần nhất và nhỏ nhất HD 23472d và HD 23472e. Chúng là dạng hành tinh cực hiếm gọi là "siêu sao Thủy" - tính chất giống Sao Thủy nhưng to lớn hơn, gây kinh ngạc khi xuất hiện thành một cặp.
Sao Thủy của Hệ Mặt trời được biết đến như một hành tinh bị "đánh cắp linh hồn", nơi không có bầu khí quyển nên cũng không có các mùa rõ ràng, nhiệt độ thì vô cùng kinh khủng, đêm âm sâu -173 độ C, ngày nóng cháy tới 427 độ.
Sao Thủy quay quanh Mặt trời với độ lệch tâm lớn, tức một quỹ đạo hình elip thuôn dài, bề mặt đầy hố va chạm như Mặt trời và đã ngừng hoạt động địa chất từ hàng tỉ năm trước. Nhìn chung, nó hội đủ điều kiện cho một thế giới "địa ngục" với mọi yếu tố hủy diệt sự sống cộng lại.
Giả thuyết lớn nhất về sự tồn tại của một thứ chết chóc như vậy chính là va chạm khốc liệt trong thời kỳ "sơ sinh" của hành tinh, khiến nó lệch tâm kỳ cục và mất cả khí quyển.
Giả thuyết thứ 2 kém vững chắc hơn là một thứ gì đó bí ẩn đã lột bỏ nhiều loại vật chất của hành tinh theo nghĩa đen, đánh cắp hẳn "linh hồn" của nó và biến thành một khối đá chết.
Thế nhưng, với sự phát hiện về hai "siêu sao Thủy" mới này, giả thuyết về vụ va chạm khốc liệt tưởng chừng như hợp lý nhất đã đổ sập, bởi khó lòng có 2 vụ va chạm lớn xảy ra trùng hợp, theo cùng một cách với 2 hành tinh nằm cạnh nhau để tạo ra cùng lúc 2 khối đá chết.
Các tác giả cũng thận trọng rằng việc hai siêu sao Thủy này không có khí quyển mới chỉ được thể hiện gián tiếp qua các phép đo mật độ và sẽ cần xác nhận lại bởi một kính viễn vọng mạnh hơn.
Đó chắc chắn là điều họ sẽ còn theo đuổi. Tiến sĩ Barros cho biết phát hiện ban đầu này mở ra một cửa sổ mới để giới thiên văn có thể tìm hiểu về cách loại hành tinh kỳ dị, hiếm hoi này hình thành. 130 năm ánh sáng cách biệt với ngôi sao mẹ của chúng vẫn là một trong những khoảng cách gần nhất đối với các thế giới ngoài Hệ Mặt trời từng được phát hiện.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Astronomy & Astrophysics.