"Khai quật" được thứ không tưởng: "Hóa thạch ánh sáng" 9 tỉ năm

  •   3,34
  • 2.174

Một báu vật vượt thời gian, vượt qua mọi kỷ lục trước đó đã được các nhà khoa học Canada đào được trong kho dữ liệu kinh ngạc của James Webb: Một hóa thạch ánh sáng suýt bị bỏ lỡ.

Đó là một ánh sáng "xuyên không" không phải của thực tại, mà tồn tại vào 9 tỉ năm trước, có khi ngày nay đã tiêu biến. Thế nhưng James Webb đã chụp được nó từ thế giới cách 9 tỉ năm ánh sáng, bởi cũng mất chừng đó thời gian để ánh sáng đi được đến gần Trái đất.

Theo Space, đó là Sparkler, thiên hà chứa những cụm sao cầu xa nhất từng được ghi nhận mà nhóm nghiên cứu từ các viện, trường thuộc Đại học Torronto - Canada đã xác định thông qua việc phân tích dữ liệu đặc sắc từ siêu kính viễn vọng không gian James Webb của NASA/ESA/CSA (các cơ quan vũ trụ của Mỹ, châu Âu và Canada).

Các cụm này có khả năng chứa những ngôi sao đầu tiên của vũ trụ, theo nhà thiên văn học Lamiya Mowla, đồng tác giả.

Bức ảnh từ James Webb tiết lộ thiên hà Sparkler chứa những cụm sao cầu cổ xưa nhất
Bức ảnh từ James Webb tiết lộ thiên hà Sparkler chứa những cụm sao cầu cổ xưa nhất, có thể mang cả các ngôi sao đầu tiên của vũ trụ - (Ảnh: NASA/ESA/CSA)

Theo Science Alert, Sparkler, chứa những cụm sao cầu được mệnh danh "hóa thạch ánh sáng" hiện ra trong dữ liệu James Webb rõ đến nỗi các nhà khoa học có thể quan sát tia sáng lấp lánh của nó trên một loạt các bước sóng, từ đó lập mô hình cho chúng và hiểu về các đặc tính vật lý.

Điều này vô cùng có ý nghĩa với ngành thiên văn bởi các cụm sao cầu là dạng vật thể cổ xưa xuất hiện gần tâm các thiên hà như một dạng vệ tinh, chứa những ngôi sao già hơn rất nhiều so với các cụm sao phân tán, nhiều ngôi sao thậm chí xấp xỉ tuổi của vũ trụ.

Cụm sao cầu là thứ sẽ tiết lộ cho chúng ta biết về vũ trụ sơ khai và thời điểm các ngôi sao đầu tiên hình thành.

Một cụm sao cầu được quan sát từ thế giới 9 tỉ năm trước sẽ đem lại một "cửa sổ thời gian" có một không hai để nhìn vào nó khi nó hãy còn tương đối "trẻ", từ đó hiểu rõ giai đoạn "thanh niên" của những ngôi sao già này như thế nào, hoặc tham vọng hơn là chúng đã đến từ đâu và sinh ra như thế nào.

Theo nhà vật lý thiên văn Karrtheik Iyer, đồng tác giả, họ đã nghiên cứu kỹ lưỡng tận 12 cụm sao cầu trong Spakler và phát hiện 5 cụm trong số đó không có lượng oxy dự kiến phù hợp với giai đoạn tích cực hình thành sao.

Đó phải là những cụm sao cầu cổ xưa nhất , không còn tạo ra các ngôi sao mới, một dạng hóa thạch tĩnh.

Những thông tin trên mới chỉ là các kết quả sơ bộ nhất. Các nhà khoa học sẽ tiếp tục phân tích kỹ lưỡng hóa thạch ánh sáng hiếm hoi này.

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học The Astrophysical Journal Letters.

Cập nhật: 13/09/2024 NLĐ
  • 3,34
  • 2.174