Phát hiện hai tiểu hành tinh đâm vào nhau

  •  
  • 2.539

Kính viễn vọng không gian Spitzer đã phát hiện một vụ va chạm giữa các tiểu hành tinh, dạng có thể dẫn đến sự hình thành của các hành tinh mới.

>>> Tiểu hành tinh từng “nướng” Trái đất

Các nhà khoa học đã dõi theo ngôi sao NGC 2547-ID8 khi quan sát một vụ phun trào bụi và mảnh vụn vào giữa tháng 8/2012 đến tháng 1/2013, theo báo cáo trên chuyên san Nature.

Phát hiện hai tiểu hành tinh đâm vào nhau
Ảnh: photojournal.jpl.nasa.gov

“Chúng tôi cho rằng hai tiểu hành tinh kích thước lớn đã đâm vào nhau, tạo nên một đám mây khổng lồ gồm các hạt cực mịn. Hiện chúng đang tích tụ thành những mảnh nhỏ và dần thoát ra khỏi ngôi sao trên", theo trưởng nhóm nghiên cứu, Huan Meng của Đại học Arizona (Mỹ).

Đây là lần đầu tiên Spitzer thu thập được dữ liệu trước và sau khi va chạm, cho phép các nhà khoa học quan sát cặn kẽ tiến trình hình thành các hành tinh như Trái đất.

Các tiểu hành tinh khởi đầu bằng những vật chất ở dạng bụi xoay quanh các ngôi sao trẻ, và chúng đâm vào nhau.

Nếu không bị phá hủy trong giai đoạn hỗn mang, kéo dài khoảng 100 triệu năm, chúng có thể trở thành những hành tinh hoàn chỉnh.

Giới khoa học gia cho rằng mặt trăng hình thành theo cách này, là kết quả của một vụ va chạm giữa Trái đất nguyên thủy và một vật thể có kích thước cỡ sao Hỏa.

Trong trường hợp đang được theo dõi, NGC 2547-ID8 mới khoảng 35 triệu năm tuổi và nằm cách địa cầu 1.200 năm ánh sáng, tức trong giai đoạn có thể diễn ra các vụ va chạm giữa các tiểu hành tinh.

Theo Thanh Niên
  • 2.539