“Xuyên không” 700 năm, NASA soi thấu “loài mới” trong thế giới hành tinh

Phát hiện hành tinh có lượng nước gấp ba lần sao Thổ
  •   4,52
  • 3.356

Siêu kính viễn vọng James Webb lần đầu tiên "xuyên thủng" bầu khí quyển của một hành tinh không giống bất cứ thứ gì được nhìn thấy trong hệ Mặt Trời hay những hệ sao lân cận.

Theo SciTech Daily, hành tinh bí ẩn mang tên WASP-39b là một hành tinh khí khổng lồ có kích thước bằng sao Thổ, nhưng quay quanh sao mẹ WASP-39 của nó với khoảng cách gần hơn so với khoảng cách sao Thủy - Mặt trời, biến nó trở thành một "loài mới" hiếm có trong thế giới hành tinh: Sao Thổ nóng.

Các nhà khoa học tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện ngoại hành tinh WASP-39b nằm cách Trái đất 700 năm ánh sáng chứa một lượng nước khổng lồ dưới dạng hơi trong khí quyển, gần bằng ba lần lượng nước trên sao Thổ.

Họ sử dụng kính viễn vọng không gian Hubble và kính thiên văn Spitzer để tạo ra quang phổ chi tiết của bầu khí quyển WASP-39b, cho phép khám phá bằng chứng về sự tồn tại của nước. Ngoại hành tinh WASP-39b có khối lượng tương đương sao Thổ.

Tuy nhiên, không giống hành tinh khí khổng lồ trong Hệ Mặt trời, WASP-39b không có hệ thống vành đai. WASP-39b hoàn thành một vòng quỹ đạo quanh ngôi sao chủ trong 4 ngày. Ngoại hành tinh này nằm gần ngôi sao chủ của nó hơn 20 lần so với khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trời.

Ngoại hành tinh WASP-39b nằm cách Trái đất 700 năm ánh sáng.
Ngoại hành tinh WASP-39b nằm cách Trái đất 700 năm ánh sáng. (Ảnh: NASA).

WASP-39b bị khóa thủy triều, nghĩa là một mặt của hành tinh luôn hướng về phía ngôi sao. Nhiệt độ ở mặt ban ngày của hành tinh lên tới 776,7 độ C. Những cơn gió mạnh đưa nhiệt từ mặt ban ngày đi khắp hành tinh, khiến mặt ban đêm cũng rất nóng.

Thế nhưng, giờ đây nhờ "mắt thần" của kính viễn vọng không gian mới nhất, mạnh nhất James Webb, được điều hành chính bởi NASA, hỗ trợ bởi ESA và CSA (cơ quan vũ trụ của châu Âu và Canada), thế giới bí ẩn trong "biển mây" của "sao Thổ nóng" này mới được hé lộ.

Nhà thiên văn học Natalie Batalha từ Trường Đại học California ở Santa Cruz (USSC - Mỹ), người điều phối nghiên cứu mới dẫn đầu bởi NASA, cho biết những điều vừa thu thập được sẽ "thay đổi cuộc chơi".

Lần đầu tiên dấu hiệu của SO2 được tìm thấy trong bầu khí quyển của ngoại hành tinh, một phân tử được tạo ra từ các phản ứng hóa học kích hoạt bởi ánh sáng năng lượng cao từ sao mẹ, giống cách tầng ozone của Trái đất được thiết lập.

Theo nhà nghiên cứu Shang-Min Tsai từ Đại học Oxford (Anh), tác giả chính, đây là bằng chứng cụ thể đầu tiên về phản ứng quang hóa của ngoại hành tinh. Ngoài ra James Webb còn tìm ra dấu hiệu rõ ràng của natri, kali, hơi nước, CO2... trong bầu khí quyển đặc biệt này.

Việc theo dõi được các phản ứng hóa học trong một bầu khí quyển cách chúng ta tận 700 năm ánh sáng cho thấy siêu kính viễn vọng này thừa sức nắm bắt được dấu hiệu hóa học và các phản ứng có thể liên quan đến sự sống - việc mà giới khoa học kỳ vọng với một hàng dài những ngoại hành tinh giống Trái đất đã được xác định.

Là sao Thổ nóng, gần như chắc chắn WASP-39b không có sự sống, nhưng nó là phòng thí nghiệm tuyệt vời cho việc khám phá thành phần hóa học của một ngoại hành tinh xa xôi, bao gồm các ngoại hành tinh có khả năng sống được nằm cách chúng ta chỉ vài chục năm ánh sáng.

Các khám phá mới về WASP-39b được trình bày chi tiết trong 5 bài báo khoa học khác nhau, 3 trong số đó đã được công bố trên các tạp chí, 2 cái đang chờ bình duyệt.

Cập nhật: 03/11/2024 Theo KHPT/NLĐ
  • 4,52
  • 3.356