Phát hiện hành tinh đá rất giống địa cầu

  •  
  • 2.204

Một bài báo trên tạp chí Nature cho biết, GJ 1132b - tên của hành tinh đá có kích thước khá giống Trái đất - xoay quanh một ngôi sao cách chúng ta 39 năm ánh sáng. Nó lớn hơn khoảng 16% so với Trái đất của chúng ta.


Hình minh họa hành tinh GJ 1132b. (Ảnh: Nature).

David Charbonneau, một nhà thiên văn của Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian tại Mỹ, cùng các đồng nghiệp đã phát hiện GJ 1132b.

Drake Deming, một nhà thiên văn của Đại học Maryland tại Mỹ, nói rằng, do GJ 1132b chỉ cách địa cầu 39 năm ánh sáng, các nhà nghiên cứu có thể dùng kính thiên văn để nghiên cứu bầu khí quyển của nó.

Hành tinh này quay theo quỹ đạo hẹp quanh ngôi sao lùn đỏ ở cách Trái đất 39 năm ánh sáng, hoàn thành một vòng sau 1,5 ngày và hấp thụ nhiều bức xạ sao trong suốt quá trình. Nhóm nghiên cứu phát hiện dấu hiệu của bầu khí quyển thứ hai do chính ngoại hành tinh này tự sản sinh.

"Phát hiện vô cùng thú vị bởi chúng tôi cho rằng khí quyển mà chúng tôi nhìn thấy được tái tạo, có nghĩa đó có thể là bầu khí quyển thứ hai", đồng tác giả nghiên cứu Raissa Estrela, nhà khoa học chuyên về ngoại hành tinh ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA tại California, cho biết. "Ban đầu, chúng tôi cho rằng những hành tinh chịu nhiều bức xạ có thể khá nhàm chán bởi chúng đã mất khí quyển. Nhưng chúng tôi xem xét những quan sát trước đó về GJ 1132 b qua kính viễn vọng Hubble và rất kinh ngạc khi biết có khí quyển tồn tại ở đó".

Việc mất khí quyển có thể tạo ra một hành tinh lớn cỡ Trái đất nhưng có lịch sử rất khác chúng ta. Các nhà nghiên cứu suy đoán sau khi GJ 1132 mất đi khí quyển giàu hydro và heli, nó trở thành thế giới trơ trọi. Nhưng quan sát của kính Hubble cho thấy hiện nay, GJ 1132 b được bao phủ bởi hỗn hợp khí hydro, hydro cyanua, methane và sương mù giàu aerosol giống khói mù trên Trái đất.

Để tìm hiểu những gì xảy ra trong hệ thống, nhóm nghiên cứu tập trung vào quan hệ giữa GJ 1132 và ngôi sao chủ. Một mặt của ngoại hành tinh luôn quay về phía ngôi sao chủ, tương tự cách Mặt Trăng quay quanh Trái đất. Nhưng trong trường hợp này, lực hút của ngôi sao với GJ 1132 b mạnh tới mức làm hành tinh nóng lên nhiều. Kết quả có thể là hoạt động núi lửa thường xuyên.

Sau đó, khí quyển có thể hình thành từ khí gas rò rỉ từ đá nóng chảy trên hành tinh. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu mô tả GJ 1132 b như một thế giới bao phủ bởi lớp vỏ mỏng với nhiều vết nứt giống vỏ trứng. Các vết nứt sinh ra từ lực hút của ngôi sao chủ, cho phép khí gas thoát ra, tạo nên khí quyển thứ hai. Các nhà nghiên cứu hy vọng kính viễn vọng không gian cực mạnh của NASA là James Webb, dự kiến phóng vào mùa thu năm nay, sẽ giúp họ quan sát bề mặt GJ 1132 b bằng ánh sáng hồng ngoại. Kết quả nghiên cứu sẽ được công bố trên tạp chí Astronomical Journal.

Cập nhật: 15/03/2021 Theo Zing/VNE
  • 2.204