Phát hiện "Hệ mặt trời" lạ có hành tinh thuộc vùng sự sống

  •   3,52
  • 4.825

NASA vừa khám phá một hệ hành tinh kỳ lạ sở hữu một siêu trái đất và 2 tiểu Hải Vương Tinh, trong đó có một hành tinh đủ điều kiện cho sinh vật cực đoan sống sót.

"Thợ săn ngoại hành tinh" TESS của NASA vừa tìm thấy một "hệ mặt trời" với ít nhất 3 hành tinh quay quanh một sao lùn đỏ. Sau đó, nhà thiên văn học Maximilian Günther (Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ) và các cộng sự tiếp tục theo dõi, giải mã bí ẩn của 3 hành tinh lạ bằng hệ thống kính viễn vọng mặt đất.

Đồ họa của Sci-News về hệ hành tinh mới được phát hiện.
Đồ họa của Sci-News về hệ hành tinh mới được phát hiện.

3 hành tinh này có kích thước từ 1,25 đến 2,42 lần so với Trái đất; trong đó 1 hành tinh mang hình dạng một siêu trái đất đá, 2 hành tinh còn lại là "tiểu Hải Vương Tinh" với khí gas, đá và băng giá thống trị.

Tất cả chúng đều quay rất gần sao mẹ với 1 năm chỉ bằng 3,4; 5,7 và 11,4 ngày trên Trái đất. Bản thân sao mẹ là một sao lùn đỏ có kích thước bằng 40% mặt trời của chúng ta.

Sao lùn đỏ TOI 270 và bóng mờ của các hành tinh quay quanh nó
Sao lùn đỏ TOI 270 và bóng mờ của các hành tinh quay quanh nó - (ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp)

Tuy quay gần sao mẹ nhưng sao lùn đỏ vốn mát hơn mặt trời rất nhiều nên hành tinh năm xa nhất – tiểu Hải Vương Tinh TOI 270d – vẫn giữ được nhiệt độ bề mặt là 67 độ C, một nhiệt độ đủ để nước tồn tại ở trạng thái lỏng và có thể sở hữu sự sống ngoài hành tinh dưới dạng sinh vật cực đoan.

Đây là một hệ hành tinh rất có tiềm năng nghiên cứu lâu dài. Theo thông số vừa công bố trên trang bách khoa toàn thư điện từ về hành tinh The Extrasolar Planets Encyclopaedia, nó chỉ cách Trái đất 22,453 parsec, tương đương 77,23 năm ánh sáng.

Nghiên cứu vừa được công bố trực tuyến trên trang arXiv.org.

Cập nhật: 22/03/2019 Theo NLĐ
  • 3,52
  • 4.825