Các nhà nghiên cứu từ Đại học Missouri hôm 10/1 công bố tìm thấy mẫu vật chứa ruột hóa thạch lâu đời nhất trên Trái Đất ở sa mạc Nevada.
Hóa thạch Cloudinid 550 triệu năm tuổi trên sa mạc Nevada, Mỹ. (Ảnh: Đại học Missouri).
Mẫu vật được xác định thuộc về một nhóm sinh vật hình ống trông giống kén sâu có tên gọi là Cloudinid, sống cách đây hơn nửa tỷ năm. Trong nghiên cứu, các nhà cổ sinh vật học dẫn đầu bởi Tiến sĩ Jim Schiffbauer đã sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh kỹ thuật số ba chiều. Kỹ thuật này cho phép họ nhìn thấy cấu trúc giải phẫu bên trong của sinh vật mà không làm hỏng hóa thạch.
"Phát hiện này không chỉ là hóa thạch ruột lâu đời nhất từng được biết đến mà còn giúp giải mã đặc điểm tiến hóa gây tranh cãi bấy lâu nay của nhóm sinh vật Cloudinid", Schiffbauer chia sẻ. "Bây giờ chúng ta có thể nói rằng cấu trúc giải phẫu của chúng giống giun nhiều hơn so với san hô".
Hình ảnh ba chiều cho thấy cấu trúc giải phẫu bên trong của loài Cloudinid. (Ảnh: Đại học Missouri).
Dựa trên hình ảnh ba chiều, nhóm nghiên cứu nhận thấy ruột của loài Cloudinid chạy xuyên suốt từ đầu đến cuối cơ thể, có nghĩa chúng có đường miệng và hậu môn riêng biệt. Điều này khác với san hô khi ruột của chúng chỉ là một túi đơn giản, nơi đường miệng đồng thời đóng vai trò là hậu môn. Đường tiêu hóa của Cloudinid cho phép chúng nạp thức ăn và loại bỏ chất thải hiệu quả hơn rất nhiều.
Đồ họa mô phỏng loài Cloudinid. (Ảnh: Đại học Missouri).
Phát hiện mới được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử tiến hóa của sự sống bởi Cloudinid là một trong những nhóm hóa thạch lâu đời và phong phú nhất trên Trái Đất. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature Communications hôm 10/1.