Phát hiện hơn 200 nghìn loài mới dưới đại dương

  •  
  • 2.384

Sau 10 năm thực hiện dự án thống kê số loài sinh vật dưới đại dương, các nhà khoa học tìm thấy hơn 200 nghìn loài mới.


Hai loài động vật mới được phát hiện trong dự án thống kê số loài sinh vật biển trong 10 năm. (Ảnh: AP)

Fox News cho biết, dự án Thống kê sinh vật biển thế giới (Census of Marine Life) bắt đầu từ năm 2000 và kết thúc hôm 4/10 với nhiều bản đồ và ba cuốn sách. Số lượng loài mới mà các nhà khoa học thống kê được trong dự án là 201.206.

Cách đây một thập kỷ giới khoa học không thể trả lời câu hỏi: Bao nhiêu loài đang sống dưới các đại dương ? Câu hỏi này có thể dẫn tới hàng loạt tranh cãi giữa các nhà khoa học, bởi một số loài được tính nhiều lần, thậm chí hàng chục lần, khiến con số thống kê trở nên không chính xác. Trong khi đó, rất nhiều loài chưa được con người biết đến. Jesse Ausubel – một nhà khoa học thuộc Quỹ Alfred Sloan – đã thành lập dự án khảo sát số lượng loài dưới các đại dương.

Khoảng 2.700 nhà khoa học từ hơn 80 nước đã tham gia dự án. Họ nhận được 650 triệu USD từ hơn 600 tổ chức – trong đó bao gồm các chính phủ, quỹ cá nhân, công ty, trường đại học, tổ chức phi chính phủ và thậm chí cả các trường phổ thông. Riêng Quỹ Alfred Sloan đóng góp 75 triệu USD.

Ausubel nói rằng, các nhà khoa học tham gia dự án biết thêm nhiều thứ, chứ không chỉ số lượng những loài mới. Mối quan hệ gần gũi giữa các loài sống ở những khu vực khác nhau là điều đáng nói nhất. Chẳng hạn, Ceratonotus steiningeri, một loài động vật có hình dạng giống tôm song chỉ nhỏ như một con kiến, được tìm thấy ở vùng gần bờ biển châu Phi thuộc Đại Tây Dương. Sau đó các nhà khoa học sửng sốt khi lại thấy chúng trong khu vực trung tâm của Thái Bình Dương. Cùng một loài, nhưng lại phân bố ở hai đại dương - đó là một điều gây ngạc nhiên.

Trước khi dự án được thực hiện, chẳng ai biết rõ về hành trình di cư của cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương. Nhưng giờ đây các nhà khoa học biết rằng chúng vượt Thái Bình Dương tới ba lần trong vỏn vẹn 600 ngày. Trong khi đó, loài cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương di chuyển gần 6.000 km giữa Bắc Mỹ và châu Âu. Cá voi lưng gù thực hiện cuộc hành trình gần 8.000 km từ hướng bắc tới hướng nam và ngược lại.

Song tất cả những loài nói trên đều không thể sánh được với chim hải âu rụt cổ. Hàng năm loài chim này bay gần 64.000 km từ New Zealand tới Nhật Bản, Nga, bang Alaska của Mỹ, Chile rồi quay trở lại. Các nhà khoa học thừa nhận đó là hành trình di cư dài nhất mà các thiết bị điện tử ghi nhận được.

Hơn 95% ADN của người và tinh tinh giống nhau. Nhiều loài động vật cũng có phần lớn ADN giống các loài khác. Dirk Steinke, một nhà sinh học của Đại học Guelph tại Canada, nói rằng số ADN khác nhau ở một số loài cá chỉ dao động từ 2 tới 15%.

“Mặc dù vô số loài cá sống dưới đại dương, song sự khác biệt về gene giữa nhiều loài không lớn”, Steinke phát biểu.

Theo Vnexpress
  • 2.384