Các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế vừa phát hiện một loài cây gỗ lớn mới ở dãy núi Trường Sơn thuộc miền Trung nước ta và đặt tên là đua đũa Trường Sơn.
Theo TS Đỗ Văn Trường, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), loài cây gỗ lớn mới ở dãy núi Trường Sơn được các nhà khoa học của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Đại học Tôn Trung Sơn (Trung Quốc), Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Thụy Điển (Thụy Điển), Đại học Bắc Carolina Wilington và Viện Nghiên cứu Thực vật Texas (Mỹ) phát hiện trong khi nghiên cứu tính đa dạng của khu hệ thực vật ở Việt Nam.
Hoa và quả đua đũa được các nhà khoa học phát hiện ở dãy Trường Sơn. (Ảnh: Đỗ Trường).
Các nhà khoa học đã đặt tên cho loài mới là đua đũa Trường Sơn - Rehderodendron truongsonense P.W. Fritsch, W.B. Liao & W.Y. Zhao (họ bồ đề - Styracaceae).
Kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí quốc tế chuyên ngành của Viện Nghiên cứu thực vật Texas, Mỹ (J. Bot. Res. Inst. Texas 13(1): 157-171. 2019).
Chi đua đũa (Rehderodendron Hu - Styracaceae) hiện nay đã ghi nhận khoảng 8 loài, phân bố chính ở phía Nam Trung Quốc, Myanmar và Việt Nam. Trong đó, 3 loài đã được ghi nhận cho khu hệ thực vật của Việt Nam (R. indochinense H.L. Li, R. kweichowense Hu, và R. macrocarpum Hu).
Loài mới khác với tất cả các loài trong chi đua đũa bởi những đặc điểm hình thái như: cây gỗ thường xanh, cao đến 20m, đường kính ngang ngực đến 60cm, gân thứ cấp ít, trục cụm hoa và thùy tràng ngắn hơn, lá bắc lớn, noãn 8 và quả hạch gồm 10 - 20 đường gờ nổi rõ.
"Loài đặc hữu của Việt Nam này được đánh giá ở mức độ gần nguy cấp dựa trên khung đánh giá bảo tồn của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (2001). Phát hiện mới này không chỉ làm tăng số lượng loài đua đũa ở Việt Nam lên 4 loài, mà còn làm nổi bật giá trị tài nguyên cây gỗ ở Việt Nam. Vì vậy, cần có những nghiên cứu thêm về giá trị sử dụng và bảo tồn nguồn gene quan trọng này”, TS Đỗ Văn Trường cho hay.