Phát hiện loài dơi biết bắt cá

  •  
  • 1.134
Lần đầu tiên các nhà khoa học Tây Ban Nha phát hiện một loài dơi ở châu Âu biết bắt và ăn cá có tên khoa học là Myotis capaccinii.

Tờ National Geographic cho biết loài dơi này nặng chỉ khoảng 9 gam, dài chừng 42mm. Các nhà khoa học cho rằng chúng chỉ ăn côn trùng, nhưng họ rất ngạc nhiên khi phát hiện xương và vảy cá trong phân của chúng vào năm 2003.

Qua nghiên cứu, các nhà khoa học Tây Ban Nha nhận thấy chúng thường kiếm ăn trên các vùng đất ngập nước, kênh rạch và hồ chứa nước dọc bờ biển Địa Trung Hải thuộc các nước Morocco, Algerie (châu Phi), châu Âu và trải dài tới Libăng, Jordan và Iran (châu Á).


Dơi Myotis capaccinii săn cá vào ban đêm - (Ảnh: Dietmar Nill/Joxerra Aihartza).

Dơi Myotis capaccinii bay thấp trên mặt nước và thả mình xuống đớp các loài cá sống ở bề mặt bằng móng vuốt của chúng” - Joxerra Aihartza, nhà khoa học theo dõi hành vi săn cá của loài dơi này, nói.

Một số loài dơi trên thế giới cũng có khả năng bắt cá như dơi Noctilio leporinus sống ở Nam Mỹ, nhưng theo ông Aihartza, chỉ có loài dơi ngón dài Myotis capaccinii mới có kỹ năng bắt cá như trên.

Tuy nhiên, theo cảnh báo của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), sự sống còn của dơi Myotis capaccinii đang bị đe dọa do ô nhiễm nguồn nước, xây đập và môi trường sống đất ngập nước bị thu hẹp.
Theo Tuổi trẻ
  • 1.134