Giáo sư Richard Gallo và các đồng nghiệp thuộc Học viện Y học San Diego, Đại học California (Mỹ) vừa nghiên cứu phát hiện bề mặt da của người thường có một số vi khuẩn “có lợi” giúp ngăn ngừa những chứng bệnh liên quan đến viêm loét.
|
Ảnh minh họa. |
Vì thế việc chúng ta làm cho bề mặt da quá sạch sẽ đồng nghĩa với việc loại bỏ một số vi khuẩn tốt, do đó sẽ không có lợi cho sức khỏe.
Nghiên cứu đã phát hiện sau khi da bị tổn thương, một loại khuẩn tụ cầu thường gặp trên bề mặt da có tác dụng ngăn chặn tiến trình viêm loét của da sẽ thực hiện chức năng miễn dịch với quá trình phản ứng viêm loét trên phạm vi rộng, từ đó giúp cho vết thương chóng lành.
Sau khi tiến hành thí nghiệm trên chuột và tế bào của người, các nhà khoa học phát hiện, vi khuẩn “có lợi” này có thể sản sinh ra một phân tử được gọi là “lipoteichoic acid-LTA,” phân tử này sẽ tác động vào tế bào biểu bì keratinocyte để ngăn gia tăng mức độ viêm loét.
Giáo sư Richard Gallo cho biết, với nghiên cứu này các nhà khoa học đã tìm ra được nguyên tố chưa được con người biết đến trong cơ chế làm lành vết thương, và có thể giúp cho chúng ta tìm ra được phương pháp mới chữa trị các bệnh liên quan đến viêm da.
Trên bề mặt và bên trong cơ thể con người có rất nhiều vi sinh vật, trong đó có một số vi sinh vật có tác dụng quan trọng đối với sức khỏe con người, có thể giúp ngăn chặn những vi khuẩn có hại xâm nhập vào cơ thể, làm gia tăng sức miễn dịch.
Giáo sư Richard Gallo dẫn kết quả nghiên cứu cho biết đảm bảo sự cân bằng vi khuẩn trên bề mặt da có ý nghĩa rất quan trọng, trong khi đó việc sử dụng kháng sinh trên một số bộ phận hoặc toàn bộ cơ thể sẽ làm thay đổi sự cân bằng này và có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực./.