Nguồn tin từ Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Thanh Hóa cho biết, sở này phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam vừa có buổi báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ tại di chỉ khảo cổ học hang Con Moong và hang Diêm trên địa bàn xã Thành Yên, huyện miền núi Thạch Thành.
Theo đó, sau bốn lần điền dã tại cơ sở, đến tháng 11/2013 đoàn hợp tác khoa học giữa Viện Khảo cổ học Việt Nam và Viện Khảo cổ học - dân tộc học Novosibirsk (thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga) đã khai quật hố 14m2 tại hang Con Moong. Kết quả khai quật cho thấy địa tầng hang Con Moong dày 9,5m, gồm 10 lớp cấu trúc khác nhau, tìm thấy công cụ lao động, xương cốt động vật, vỏ nhuyễn thể, công cụ đá quartz.
Các di vật, hiện vật vừa được phát hiện tại di chỉ khảo cổ học hang Con Moong (Thanh Hóa) - (Ảnh: Hà Đồng)
Tại hang này còn có các mộ táng theo hình thức “nằm co bó gối” - một trong những kiểu an táng sớm nhất của con người. Các di tồn văn hóa còn lưu lại trên địa tầng hang Con Moong đã kể lại nhiều câu chuyện lý thú về đời sống cư trú hang động, sử dụng công cụ đá và sự tiến triển về loại hình, về kỹ thuật chế tác công cụ, về sự biến đổi của khí hậu, sự thích ứng của người Việt cổ.
Còn di chỉ hang Diêm được các nhà khảo cổ học Việt - Nga phát hiện ở bản Sánh, cách hang Con Moong khoảng 4km về phía đông. Hang Diêm có hình ống dài trên 50m, rộng trung bình 10m. Phần diện tích có thể khai quật được rộng khoảng 200m2, phía cửa hang được bảo tồn khá nguyên vẹn. Địa tầng hang Diêm dày trung bình 1,4m gồm ba lớp, qua đó phát hiện nhiều di tích mộ, di cốt động vật, hiện vật đá, gốm.
Việc khai quật khảo cổ học cho thấy hang Diêm là di tích cư trú lâu dài của con người, là điểm chế tác công cụ đá của cư dân cổ, nơi để mộ táng của nhiều lớp cư dân nên cũng cho thấy sự thay đổi táng thức của người Việt cổ.