Một ngoại hành tinh thuộc nhóm kích cỡ Trái đất, nhưng được mô tả là khó thở hơn cả… địa ngục vừa được xác định.
Nhóm khoa học gia từ NASA, Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard & Smithsonian (Mỹ) và một số đơn vị nghiên cứu khác đã vén màn bí ẩn xung quanh LHS 3344b, một ngoại hành tinh thuộc nhóm "kích cỡ Trái đất" quay quanh một sao lùn đỏ cách chúng ta chỉ 48,6 năm ánh sáng.
Những hành tinh kích cỡ Trái đất luôn là đối tượng được giới thiên văn săn lùng bởi kích cỡ phù hợp là một trong các điều kiện đầu tiên để chúng ta có thể hy vọng nó thích hợp với sự sống ngoài Trái đất. Nhưng không may, LHS 3344b chỉ là một "phiên bản địa ngục" của hành tinh xanh chúng ta đang ở.
LHS 3344b - "phiên bản địa ngục" của Trái đất - (ảnh đồ họa từ NASA).
Kết hợp dữ liệu bởi từ Vệ tinh khảo sát ngoại hành tinh TESS và Kính viễn vọng không gian Spitzer của NASA, các nhà khoa học đã "nhìn" sâu vào thế giới bí ẩn của LHS 3344b. Nó quay cực gần ngôi sao mẹ, khiến 1 năm ở đó chỉ dài bằng 11 ngày trái đất.
Không chỉ vậy, đây là một thiên thể bị "khóa", luôn chỉ hướng một mặt về sao mẹ (như cách mặt trăng luôn chỉ hướng 1 mặt về phía trái đất). Dù sao lùn đỏ nguội hơn mặt trời rất nhiều nhưng với khoảng cách và tình trạng bị khóa, mặt đối diện sao mẹ của hành tinh có nhiệt độ lên tới 770 độ C và tỏa ra rất nhiều ánh sáng hồng ngoại.
Dữ liệu mới cũng cung cấp manh mối về bầu khí quyển của hành tinh: không khác gì mấy so với mặt trăng và Sao Thủy của Hệ Mặt trời, là 2 thiên thể hầu như không có bầu khí quyển. Hành tinh cũng có nhiệt độ chênh lệch ghê gớm giữa nửa ban ngày (mặt luôn quay về phía sao mẹ) và nửa ban đêm (mặt tối).
Cận cảnh hành tinh "địa ngục"mới được phát hiện.
Theo nhà khoa học về ngoại hành tinh Renyu Hu (Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA), thành viên nhóm nghiên cứu, bề mặt hành tinh này được bao phủ bởi bazan, một loại vật liệu núi lửa đã được làm mát, cho thấy nó có thể đã trải qua một thời kỳ dữ dội của những núi lửa cổ đại.
Nhóm nghiên cứu cho rằng có thể mô tả LHS 3344b là một nơi "giống thế giới của Hades nhưng khó thở hơn một chút"!
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature.