Trạm quan trắc của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã phát hiện một số đồng vị phóng xạ nhân tạo tại Lạng Sơn và Đà Lạt, nhưng với lượng nhỏ và không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
“Trạm quan trắc phóng xạ môi trường do Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân quản lý đặt tại thành phố Lạng Sơn đã phát hiện được một số đồng vị phóng xạ nhân tạo trong không khí”, báo cáo ra hôm qua của Bộ Khoa học và Công nghệ viết.
Hình ảnh mô phỏng phóng xạ lan rộng sang khu vực châu Á hôm 24/3
“Hàm lượng đồng vị phóng xạ này rất nhỏ, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người”.
Bình thường trong không khí cũng có các chất phóng xạ có nguồn gốc tự nhiên như từ đất hoặc tia vũ trụ. Các đồng vị phóng xạ mới phát hiện nói trên không thuộc loại này.
Kết quả kiểm xạ môi trường tại Trạm quan trắc Đà Lạt cũng ghi nhận, đồng vị nhân tạo I-131 ở mức rất thấp, không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường.
Theo tiến sĩ Đặng Thanh Lương, phó cục trưởng cục an toàn bức xạ hạt nhân, căn cứ vào tiêu chuẩn của Việt Nam, các kết quả đo nồng độ chất phóng xạ I-131 trong không khí ghi nhận của trạm quan trắc tại Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân và Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đều nhỏ hơn hàng trăm ngàn lần so với giá trị giới hạn quy định và không ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân.
Báo cáo của trung tâm dữ liệu quốc gia của Việt Nam trong mạng lưới của Tổ chức CTBTO cho thấy, các trạm đặt tại châu Âu như Nga, Thuỵ Điển, Nauy, Iceland, Đức chỉ phát hiện được I-ốt phóng xạ (I-131). I-131 là hạt nhân phóng xạ được phát tán trong không khí rất nhanh nên mặc dù đám mây phóng xạ có lúc mới chỉ gần đến châu Âu thì một số trạm quan trắc tại đây đã phát hiện được.
CTBTO cho biết sẽ tiếp tục theo dõi số liệu phóng xạ phát hiện được từ các trạm quan trắc hạt nhân phóng xạ của CTBTO sẽ được cập nhật hàng ngày. Các trạm quan trắc của mạng lưới CTBTO rất nhạy và có thể phát hiện các hạt nhân phóng xạ với nồng độ rất thấp trong bầu khí quyển.