Quá trình khai quật ở bang Tây Bengal - Ấn Độ đã làm lộ diện một quái vật 251,5 triệu tuổi thân hình kiểu T-rex, có thể dài tới 4m, bò như cá sấu, sống lưỡng cư.
Theo Sci-News, loài mới được đặt tên là Samsarasuchus pamelae, một thành viên của phân họ mới Chasmatosuchinae, thuộc họ Proterosuchidae.
Nó thuộc nhóm Archosauriformes, một nhánh bò sát bao gồm thằn lằn chúa và một số họ hàng của chúng, tuy nhiên thân hình lại thuôn dài và có thể là sống lưỡng cư y hệt cá sấu.
"Quái vật Tây Bengal" trong ảnh đồ họa dựa trên các phần hóa thạch được khai quật tại bang Tây Bengal - Ấn Độ - (Ảnh: Gabriel Lio)
Con quái vật đã lộ diện dưới dạng hóa thạch ở hệ tầng Panchet gần làng Deoli, bang Tây Bengal - Ấn Độ.
Nhóm khoa học gia Mỹ - Ấn Độ dẫn đầu bởi nhà cổ sinh vật học Martin Ezcurra đã phân tích hóa thạch này và tái hiện nên hình ảnh một sinh vật có thân hình kiểu T-rex (khủng long bạo chúa) nhưng "thon thả" hơn, bò ngang bằng bốn chân theo kiểu cá sấu.
Điểm đặc biệt và kinh dị nhất của chúng là hàm răng sắc nhọn có phần đầu hàm trên quặp lại.
Con lớn nhất có thể dài tới 4 m, trong khi có những con dài chỉ 1,5 m. Chúng cũng thích nghi với việc nghe âm thanh tần số thấp, điều tiết lộ khả năng sống lưỡng cư.
Theo các tác giả, Chasmatosuchinae ngoài Ấn Độ có thể còn phân bố ở Đông Âu, Brazil và Úc, với những mẫu vật khác loài nhưng cùng dòng họ cũng mới được xác định gần đây.
Con quái vật ở Tây Bengal có niên đại lên tới 251,5 triệu tuổi, tức thuộc lớp sinh vật đặc biệt bí ẩn của giai đoạn chuyển giao kỷ Nhị Điệp - Tam Điệp.
Kỷ Tam Điệp chính là thời kỳ đánh dấu sự ra đời của những loài bò sát "đủ tiêu chuẩn" để gọi là khủng long sơ khai. Vì vậy, con quái vật giống T-rex lai cá sấu này đại diện cho thế giới "tổ tiên" của khủng long, có thể cung cấp nhiều dữ liệu quan trọng để hiểu thêm cách mà thế giới bò sát đã tiến hóa ban đầu.
Các phát hiện vừa được công bố trên tạp chí khoa học Royal Society Open Science.