Các nhà khoa học Mỹ đã xác định cụ thể được lỗ đen siêu quái vật thứ hai mà nhân loại từng biết đến, gần bằng Sagittarius A*.
Hiện nó vẫn đang "vô hình" trước mắt người Trái đất, nhưng sẽ không lâu - các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard & Smithsonian (CfA) khẳng định.
Quái vật "siêu cấp" này được đặt tên Leo I*, ước tính có khối lượng gấp 3 triệu lần Mặt trời, tức chỉ thua quái vật lớn nhất mà nhân loại từng đưa ra bằng chứng chắc chắn về sự tồn tại - Sagittarius A* nặng bằng 4 triệu Mặt trời, lỗ đen trung tâm của thiên hà Milky Way (Ngân Hà) chứa Trái đất, vốn là một thiên hà thuộc dạng khổng lồ so với các vật thể cùng loại.
Leo I* là một lỗ đen siêu khối - (Ảnh đồ họa từ SCITECH DAILY)
Theo SciTech Daily, manh mối đầu tiên về lỗ đen quái vật này lộ diện vào năm 2021, khi một nhóm nghiên cứu độc lập khác nhận thấy các ngôi sao tăng tốc khi đến gần trung tâm thiên hà lùn Leo I. Nhiều manh mối cùng kiểu về nhiều lỗ đen quái vật khác từng được đưa ra, nhưng việc khẳng định 100% sự tồn tại của nó là một chặng đường dài và khó khăn.
Thách thức lớn để đem Leo I* ra khỏi huyền thoại là một thiên hà lùn thường không có đủ khí để bồi tụ đến mức "phát sáng" bằng các loại tia vũ trụ mà kính thiên văn có thể nắm bắt.
Tuy nhiên nghiên cứu mới cho thấy một lượng nhỏ khối lượng mà nó tước đi từ các ngôi sao cũng cung cấp tốc độ bồi tụ cần thiết để quan sát. Bởi quanh nó là những ngôi sao khổng lồ đỏ, có gió sao mạnh và thường tự đưa một phần cơ thể chúng ra môi trường xung quanh, "dâng tận miệng" lỗ đen.
Họ đã áp dụng cách tìm kiếm đó cho hai đợt quan sát từ Đài quan sát tia X Chandra và Kính viễn vọng vô tuyến Very Large ở New Mexico. Dữ liệu vẫn đang được phân tích và tạm thời các tác giả CfA chỉ có thể đưa ra mô tả sơ lược về nó, nhưng họ tin rằng trong tương lai gần sẽ gạn lọc được một bức ảnh thật sự - như những gì chúng ta đã nhìn thấy về Sagittarius A*.
Nghiên cứu mới vừa công bố trên tạp chí khoa học Astrophysical Journal Letters.