Việc phát hiện thêm 10 vệ tinh bay quanh sao Mộc nâng tổng số vệ tinh tự nhiên của hành tinh này lên 79, trong đó có một vệ tinh bay ngược chiều.
Ngày 17/7, nhóm nghiên cứu của nhà thiên văn học Scott Sheppard thuộc Viện Khoa học Carnegie, Washington, Mỹ thông báo đã xác định được 10 vật thể mới quay quanh sao Mộc.
Tất cả các vật thể mới được tìm thấy đều khá nhỏ, chỉ có kích thước từ 1-4km. Trong khi đó, sao Mộc có đường kính 142.984km và sở hữu nhiều vệ tinh lớn như Ganymede, vệ tinh tự nhiên lớn nhất Hệ Mặt Trời với đường kính 5.268km.
Hình ảnh sao Mộc chụp từ tàu vũ trụ Juno của NASA ngày 23/5. (Ảnh: Reuters).
Sheppard cho biết, các vật thể có thể đã hình thành gần sao Mộc trong giai đoạn đầu của Hệ Mặt Trời và bị hút bởi trọng lực mạnh của hành tinh này.
“Sao Mộc giống như chiếc máy hút bụi lớn vì kích cỡ đồ sộ của nó”, Sheppard giải thích. “Những vật thể này bay xung quanh nó thay vì rơi xuống nên chúng tôi nghĩ rằng chúng là một dạng tồn tại nằm giữa đá thiên thạch và sao băng, tức là nửa băng, nửa đá”.
Trong số những vệ tinh mới, vật thể thú vị nhất được đặt tên là Valetudo theo tên của nữ thần sức khỏe, cháu gái của vị thần La Mã Jupiter. Valetudo bay cùng hướng với chiều xoay của hành tinh mẹ nhưng các vệ tinh khác lại bay theo chiều ngược lại.
“Valetudo đang "đi sai làn đường" trên đường cao tốc, nên khả năng cao nó sẽ va chạm với các vật thể khác. Nó cũng có thể đã va chạm với chúng trước đây rồi”, Sheppard nhận định.
Sao Mộc, với 79 vệ tinh, là hành tinh có số lượng vệ tinh tự nhiên nhiều nhất Hệ Mặt Trời, theo sau là sao Thổ với 62 vật thể bay xung quanh. Theo Sheppard, có thể sao Mộc và sao Thổ có số vệ tinh tương tự nhau, chỉ là các nhà khoa học đến nay vẫn chưa xác định hết những vật thể nhỏ xung quanh sao Thổ.
Vệ tinh hay còn gọi là mặt trăng của một hành tinh là vật thể quay xung quanh một hành tinh khác không phải mặt trời, bất kể kích thước. Chỉ hai hành tinh gần Mặt Trời nhất là sao Thủy và sao Kim không có vệ tinh tự nhiên nào. 26 trong số 79 vật thể quay quanh sao Mộc hiện chưa được đặt tên, bao gồm 9 trong 10 vệ tinh mới phát hiện.